Người trong nước phải thương nhau cùng
Hà Minh Thảo (Danlambao) - "...Ngày 04.06.2013, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, thay mặt đại gia đình, gởi đến chúng ta lời kêu cứu khẩn cấp về tình trạng sức khỏe hết sức nguy hiểm của ông Hà Vũ đang tuyệt thực trong tù Thanh hóa. Bà cho biết ‘những điều ông đã nói, đã viết, đã làm đang dần dần được thực tế chứng minh là đúng đắn... ‘ông yêu nước, thương dân và thao thức đóng góp vì vận mệnh quê hương và tiền đồ dân tộc’. Vì không muốn bị chỉ trích, người ta bỏ tù ông trong Trại giam mà đội ngũ quản tù đã cố tình không hành xử đúng những quy định của luật pháp đối với các tù nhân ở đây và đối với riêng ông Vũ bắt buộc ông không còn cách nào khác đã phải tuyệt thực để phản đối. Sau 9 ngày không ăn, không nói, chúng ta cũng có thể biết tình trạng sức khỏe của ông hết sức nguy hiểm. Tính mạng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì ông bị bệnh tim bẩm sinh và nhiều căn bệnh khác phát sinh khi bị giam tù."...
Cuối tháng 05 vừa qua, ông Nick Vujicic, một người Úc truyền bá Phúc Âm và diễn thuyết truyền động lực. Ông không có tứ chi từ khi chào đời, đang ở tuổi 31, đã được mời sang Việt Nam để tiếp xúc với người Việt, nhất là những người khuyết tật. Báo chí đã nói nhiều vì thông dịch viên ‘không được phép dịch về tôn giáo kể cả trong trường hợp Nick nói’ và chi phí ’32 tỷ mời Nick Vujicic và lòng đố kị của người Việt’ (xem VTC News ngày 25.05.2013). Đọc báo mạng, chúng tôi lưu ý đến lời 'Người phi thường' Nguyễn Ngọc Ký nói về Nick Vujicic: “Tôi ấn tượng và thấm thía nhất câu nói của Nick ‘Người Việt hãy thương người Việt!’, ‘Hãy thương nhân dân mình’” (VietNamNet ngày 27.05.2013) và tựa đề ‘Nick Vujicic: Người Việt hãy giúp đỡ người Việt’ (www.baodanang.vn ngày 27.05.2013).
Những nhắc nhở này có một cái giá phải trả là 32 tỷ đồng, do đó, trên mạng lưới thông tin toàn cầu có bài ‘32 tỷ mời Nick Vujicic và lòng đố kị của người Việt’ nói trên: “… đọc nhiều ý kiến chê bai, thậm chí phê phán, chỉ trích của nhiều người đối với BTC và nhà tài trợ (Tôn Hoa Sen), mình thấy thất vọng. Mình không thể nào chia sẻ được kiểu suy nghĩ kiểu tại sao lại không dành 32 tỷ tiền này giúp người nghèo Việt Nam, tài trợ cho người khuyết tật Việt Nam, việc đón tiếp, tôn vinh Nick Vujicic như vậy có làm cho những người Việt Nam chạnh lòng, tủi thân hay không?...” . Đắt hay Rẻ tùy theo nhận thức của từng người Việt Nam, dù đang cầm quyền hay bị trị. Điều khẩn thiết là sớm có thực hiện hay không để, trong tương lai, không cần trả tiền cho một người ngoại quốc khác đến dạy bảo sau khi Tiền Nhân chúng ta đã khuyên: ‘Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’.
Ông Nick Vujicic rời Việt Nam ngày 26.05.2013, cùng ngày, nữ luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đi thăm chồng là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đang thụ án 7 năm trong tù sau khi bị bắt vì ‘hai bao cao su xài rồi’ và đã nói với Đài Á Châu Tự Do rằng Tiến sĩ Vũ sẽ tuyệt thực kể từ ngày 27.05.2013 để phản đối hành vi xâm phạm các quyền của bản thân ông từ phía giám thị trại giam, đặc biệt Lường Văn Tuyến, Giám thị Trại giam số 5 – Bộ Công an không giải quyết đơn ông tố cáo Lê Văn Chiến, cán bộ Trại giam ‘cố ý giết công dân Cù Huy Hà Vũ’.
1.- Hành động giúp Nước và Đồng bào.
a. Với văn bằng Tiến sĩ luật do Đại học danh tiếng Sorbonne (Paris, Pháp) cấp tặng, ông Cù Huy Hà Vũ, tuy thuộc một gia đình có những nhà thơ lớn và cũng là những công thần Nhà nước Cộng sản như Huy Cận (cha), Xuân Diệu (cậu ruột), nhưng không có thẻ đảng trong túi, nên khi tranh cử Đại biểu Quốc hội năm 2007, với tư cách ‘ứng viên độc lập’, đã bị loại ngay từ vòng ‘lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố’. Mặt trận Tổ quốc phường Điện biên vi phạm luật khi đã triệu tập cử tri của 4 tổ dân phố để lấy ý kiến (thay vì chỉ 1 tổ nơi ứng viên có hộ khẩu thường trú) như trường hợp luật sư Lê Quốc Quân bị loại khỏi kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 năm 2011. ‘Phe thắng cuộc’ để loại những nhân tài và can đảm phục vụ Quê hương một cách cực kỳ ‘dân chủ’.
b. Ông Cù Huy Hà Vũ, đã kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ khai thác bauxite vì làm ô nhiễm môi trường và lỗ lã. Khi đơn bị bác, ông tiếp tục đưa đơn kiện lên tòa án tối cao, đúng cái dũng khí của người biết luật.
c. Đáp thư mời luật sư tham dự phiên tòa ngày 27.10.2010 gởi Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ của thân nhân sáu giáo dân Công Giáo Giáo xứ Cồn dầu (Đà nẵng), những người vừa là nạn nhân bị ‘cướp’ nhà đất, vừa là bị cáo bị truy tố ra tòa án nhân dân quận Cẩm lệ, hai luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và Lý Quang Tuấn nhận bào chữa cho các bị bị cáo trong phiên tòa này. Tuy nhiên, thiện ý này không được sự chấp thuận của Chánh án Tán Thị Thu Dung. Do đó, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã yêu cầu Giám đốc và Công an Đà nẵng khởi tố bà Thu Dung về các tội vi phạm đến điều 296 và 285 Bộ Luật Hình sự, trái qui định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Tại phiên tòa xét xử, do không có luật sư của mình, các nạn nhân bị đàn áp về thể lực và khủng bố tinh thần đã dễ bị dụ vào việc ‘nhận tội’. Trong vụ chiếm đất này, một giáo dân thành viên đội trợ tang Giáo xứ, ông Nguyễn thành Năm, bị nhiều công an đuổi đánh và khi được đưa về nhà thì đã trối trăn rồi chết vào khoảng trưa ngày 03.07.2010.
Ngày 04.11.2010, Tổ kiểm tra Công an phường 11, quận 6, TP. Hồ chí Minh kiểm tra hành chính tại phòng 101, khách sạn Mạch Lâm gặp một đôi nam nữ (ông Hà Vũ và bà Như Quỳnh, luật sư Hội Luật gia TP Hồ chí Minh) đang có hành vi quan hệ vợ chồng bất chính, với bằng cớ là tìm thấy hai bao cao su đã sử dụng bỏ trong thùng rác. Công an đã kiểm tra máy vi tính ông Vũ và phát hiện nhiều tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước. Sau đó, công an đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Vũ ở phố Điện biên phủ, Hà nội. Hai hôm sau, trả lời báo chí về vụ việc, Trung tướng công an Hoàng Kông Tư nói rằng: “Các chứng cứ, tài liệu do các cơ quan chức năng thu được đã chứng minh ông Cù Huy Hà Vũ có những hành vi phạm luật theo Điều 88 Bộ luật hình sự”.
Do đó, các tổ chức nhân quyền ngoại quốc cũng đề nghị Nhà nước Việt Nam trả Tự do cho ông Hà Vũ vì việc bắt giữ này vi phạm Điều 19 Công ước Quốc tế Quyền Dân sự và Chính trị:
“1/ Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2/ Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3/ Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:
a/ Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.
b/ Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý). Việt Nam không phải tôn trọng Công ước này nếu chính phủ đừng ký vào năm 1982).”
Tất cả những yêu cầu đó đều không được đáp ứng và phiên tòa sơ thẩm xét xử ngày 04.04.2011 đã được diễn ra tại Tòa án nhân dân Hà nội, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã bị Nhà nước Cộng sản Việt Nam kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ bằng phiên tòa ‘công khai xử kín’.
Trước phiên xử, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, phu nhân ông Cù Huy Hà Vũ, sau khi tố cáo các hành vi vi hiến và trái luật của công an các cấp về việc bắt giam và khởi tố ông Hà Vũ và bị rút giấy phép bào chữa cho chồng, đã đến Giáo xứ Thái Hà để xin cầu nguyện cho Công Lý và Sự Thật vào tối 02 và 03.04.2011 cho chồng.
Trả lời phỏng vấn của chị Khánh An, phóng viên đài Á châu Tự do, Linh mục Vũ khởi Phụng, Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà cho biết: “Giáo xứ không có lý do gì để từ chối việc cầu nguyện vì chính gia đình anh Vũ đã đến đây xin giáo xứ Thái Hà cầu nguyện cho anh khi anh sắp sửa ra tòa. Trong vụ án này, có những cái xem ra vi phạm nghiêm trọng vấn đề công bình và nhân phẩm, không trong sáng trong vụ bắt và xử anh. Vì thế, cầu nguyện không chỉ vì cá nhân anh Vũ nhưng mà vì cái vấn đề chung của xã hội là cần sự trong sáng, cần quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, cần một sự thẳng thắn về mặt pháp lý. Do đó, Thái Hà đồng ý có buổi cầu nguyện cho anh Vũ và cho vấn đề Công bình và Nhân phẩm trong xã hội.
Gia đình anh không là người Công Giáo nhưng Thái Hà vẫn luôn luôn có những buổi cầu nguyện khi có chuyện gì xảy ra trong xã hội như khi có thiên tai, như động đất ở Trung quốc, Nhật bản hay Miến điện, như vụ các giáo dân Tam Tòa hay Cồn Dầu. Chúng tôi tưởng đây là một trường hợp rất quý bởi vì người ta có nghĩ tới sự thành tâm của mình trong đức tin thì người ta mới xin mình cầu nguyện.
Nếu có một ‘sự nhạy cảm’ nào đấy thì do hoàn cảnh tự nhiên đưa đến thôi, chứ còn giáo xứ Thái Hà không chủ trương tạo ra những tình hình nhạy cảm. Đôi khi giáo xứ Thái Hà gặp phải những tình hình tự bản chất của nó là nhạy cảm chứ không phải là do Thái Hà gây ra. Tôi không thấy có vấn đề gì cả bởi vì cầu nguyện là một bổn phận của mọi giáo xứ. Xưa nay trong Hội thánh vẫn cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình thì vụ này cũng như thế. Còn nếu mà vì vụ này mà sinh ra cái gì đấy gọi là nhạy cảm hay phiền phức thì cái đó là ngoài ý muốn của giáo xứ Thái Hà”.
3.- Ngày 04.06.2013, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, thay mặt đại gia đình, gởi đến chúng ta lời kêu cứu khẩn cấp về tình trạng sức khỏe hết sức nguy hiểm của ông Hà Vũ đang tuyệt thực trong tù Thanh hóa. Bà cho biết ‘những điều ông đã nói, đã viết, đã làm đang dần dần được thực tế chứng minh là đúng đắn... ‘ông yêu nước, thương dân và thao thức đóng góp vì vận mệnh quê hương và tiền đồ dân tộc’. Vì không muốn bị chỉ trích, người ta bỏ tù ông trong Trại giam mà đội ngũ quản tù đã cố tình không hành xử đúng những quy định của luật pháp đối với các tù nhân ở đây và đối với riêng ông Vũ bắt buộc ông không còn cách nào khác đã phải tuyệt thực để phản đối. Sau 9 ngày không ăn, không nói, chúng ta cũng có thể biết tình trạng sức khỏe của ông hết sức nguy hiểm. Tính mạng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì ông bị bệnh tim bẩm sinh và nhiều căn bệnh khác phát sinh khi bị giam tù.
4.- Trường hợp cựu Đại úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Hữu Cầu là người mà chúng tôi vừa nhận được mail xin giúp lời cầu nguyện. Sau cái ngày gọi là ‘giải phóng’ 1975, ông đã bị bắt đi tù ‘cải tạo’ hơn 6 năm, tức cuối năm 1981. Năm sau, ông bị bắt trở lại cho đến ngày hôm nay vì đã sáng tác nhạc và làm thơ, nhưng ‘tội’ lớn nhất là đã thu lượm nhiều bằng chứng ‘những tội ác tày đình của các quan chức tỉnh Kiên giang’ bằng gặp gỡ và phỏng vấn các nhân chứng, gồm cả những nữ tù nhân vượt biển bị chúng hãm hiếp. Trong số đó có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Nguyễn Thế Đồng, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh. Sau đó, ông bị đem ra xử vội vàng và kết án tử hình với tội danh ‘phá hoại’. Do kháng án, nên vụ án được xử phúc thẩm tại phiên tòa ở Sài Gòn. Phiên tòa chỉ kéo dài đúng một tiếng đồng hồ vào ngày 25.05.1987, chỉ được giảm xuống còn chung thân. Trước ngày xử, tên chánh án tòa phúc thẩm có một cuộc trao đổi riêng với ông Cầu, yêu cầu ông không trưng ra những chứng cứ phạm tội của Viện trưởng Viện Kiểm sát Kiên giang và các quan chức khác để đổi lại việc được xử trắng án. Điều này đã không xảy ra: ông Cầu bị lừa và vẫn bị tù chung thân.
Trong cáo trạng, Nguyễn Thế Đồng còn bịa đặt những điều cực kỳ ngu xuẩn như lấy nguyên văn ‘Kinh lạy Cha’ để ghép tội ‘Tên Nguyễn Hữu Cầu đã sáng tác ra bài hát ‘Giọt Nước Mắt Chúa’ với ý thức mơ tưởng đến sự trở lại của Đế quốc Mỹ, ví Đế quốc Mỹ như là cha để cầu xin bơ thừa sữa cặn’.
Bị oan ức, ông Cầu đã kiên trì làm nhiều đơn khiếu nại từ 28 năm qua. Lá đơn đề ngày 24.08.2009, là lá đơn khiếu nại liên tục thứ... 500 mà ông đã nhờ anh Nguyễn Ngọc Quang đã gởi ra Hà Nội, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Chỉ vì biết quá nhiều thông tin, nên ông luôn bị tay chân đàn em các quan tham này tìm cách ám hại trong tù. Ngoài ra, việc ông được Linh mục Nguyễn Công Đoan (Bề trên Dòng Tên) rửa tội trong tù cũng là một lý do để đám cai tù thù ghét, không cứu xét ân xá cho ông.
Sau hơn 30 năm trong tù biệt giam, cựu Đại úy Nguyễn Hữu Cầu nay ‘mắt trái đã mù hẳn, mắt phải chỉ nhìn thấy mờ mờ, răng chỉ còn một chiếc, bệnh tình gia tăng, đặc biệt là suy tim và máu không lên não. Cả tháng nay ông chỉ ăn được cháo, uống sữa để sống mà thôi. Những lần bị bệnh, xỉu thì họ đưa ra ngoài khám bệnh nhưng chỉ là khám ‘giả’ mà thôi. Hiện ông vẫn bị biệt giam’.
Chiều ngày 28.03.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm và cử hành Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh với 46 thiếu niên đang được cải huấn tại Nhà tù Casal del Marmo (Roma). Người ứng khẩu đơn sơ và ngắn gọn giảng: “Một cử chỉ cảm động: Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ… Đó là gương của Chúa: người nào cao trọng nhất trong chúng ta, phải phục vụ người khác. Rửa chân có nghĩa là ‘tôi là người phục vụ cho anh’. Chúng ta, tuy không thể rửa chân mỗi ngày cho nhau, nhưng điều ấy có nghĩa là chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhiều khi ta bực mình với người khác, nhưng hãy bỏ qua, và nếu người khác xin bạn giúp, thì hãy làm. Hãy giúp đỡ nhau: đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta và đó là điều tôi làm, và tôi làm hết lòng, vì đó là bổn phận của tôi”. Sau đó, Đức Thánh Cha, cũng là Quốc Trưởng quốc gia Tòa Thánh (Saint Siège, tiếng Pháp và Holy See, tiếng Anh) đến quỳ trước từng thiếu niên rửa chân, lau chân và hôn chân.
Đáp ứng lời giảng của Đức Thánh Cha, chúng ta hãy đáp ứng lời kêu cứu khẩn cấp về tình trạng sức khỏe hết sức nguy hiểm của gia đình các ‘người tù vô tội’ từ cho ông Nguyễn Hữu Cầu, ông Cù Huy Hà Vũ đến các bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên, Lê Nguyên Kha… bằng lời cầu nguyện để cho ông sớm thoát những bất công và cũng cầu nguyện cho những người cầm quyền sớm nhận biết và thực thi ‘Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’.