Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng sửa sai theo kiểu: "Tiên sư cái thằng đánh máy"
“Cấm xây nhà kiểu Pháp” là... sai sót in ấn
Ngô Trang (Vneconomy) - công văn 185/BXD-VP gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí, Bộ Xây dựng cho biết, nội dung “không xây dựng công trình nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu” là do in ấn có "sai sót".
Sáng 13/6, VnEconomy đăng tải thông tin về việc Bộ Xây dựng trong công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cách đây gần 3 tuần, có lưu ý các địa phương "không xây dựng các công trình nhại kiến trúc cổ điển kiểu Pháp - châu Âu", đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách.
Tuy nhiên, trong công văn 185/BXD-VP gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí ngay buổi chiều cùng ngày, Bộ Xây dựng cho biết muốn bỏ nội dung “không xây dựng công trình nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”, vì in ấn có "sai sót".
Cụ thể, công văn này cho biết, để "nâng cao chất lượng về công tác quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị, ngày 23/5/2013 Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 942/BXD-KTQH về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng kiến trúc công trình trên địa bàn tỉnh, thành phố".
"Tuy nhiên, trong quá trình in ấn có sự sai sót", công văn của Bộ chiều nay khẳng định.
Và sau đó cho biết, "Bộ Xây dựng xin đính chính như sau: Bỏ phần nội dung"Lưu ý: Không xây dựng các công trình kiến trúc theo hướng nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu".
Trước đó, sau khi đọc thông tin về việc “cấm xây nhà nhại kiến trúc cổ điển Pháp”, trong phản hồi về VnEconomy, rất nhiều độc giả đã tỏ ra bất ngờ và phản đối quy định này của Bộ Xây dựng. Một số bạn đọc còn cho rằng đó chỉ là tin ngày “Cá tháng Tư”.
Tại Hà Nội, sau khi có chỉ đạo ngày 23/5 của Bộ Xây dựng, đến ngày 12/6, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã ký công văn yêu cầu các sở Xây dựng, Văn hoá - Thể thao và Du lịch khẩn trương khắc phục những tồn tại trong quản lý kiến trúc xây dựng, thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá các công trình kiến trúc truyền thống tại các địa phương, đảm bảo tính văn hoá, truyền thống và bản sắc riêng của từng vùng, miền.