Bài Mới

baimoi
qc

Ai cần nhận thức đúng: Dân hay đảng?

< A >
Le Nguyen (Danlambao) - Tờ báo Quân Đội Nhân Dân, tiếng nói của cơ quan quân ủy trung ương, của bộ quốc phòng, của lực lượng vũ trang, kể cả các “đồng chí” có tự xưng là tiếng nói nhảm nhí không đối thủ cũng không ai có thể phản bác hay chối cãi được. Thế nhưng đảng, nhà nước mạo danh, nhận vơ vào rồi bảo rằng báo Quân Đội Nhân Dân là tiếng nói của nhân dân Việt Nam, quả là vấn đề “nhạy cảm” cần phải điều chỉnh đúng với sự thật của nó vốn có và để cho ra dáng dấp người lớn tí, kẻo bé mãi thì thêm phiền cho “nhân cách” đảng ta lắm.

Mới đây, tờ Quân Đội Nhân Dân như đến hẹn lại lên, lại hồ hởi “tương” một bãi to tướng, nồng nặc mùi khó ngửi trong cơ quan “khá to” quân ủy trung ương, rất máy móc như những kẻ không não lảm nhảm trong cái gọi là “Cần Nhận Thức Đúng Về Tự Do Và Quyền Con Người” qua ngòi bút của văn nô Vọng Đức, chắc chắn nó là tiếng nói vớ vẩn của ai đó chứ không phải là tiếng nói của nhân dân, có đúng không?

Thật không hiểu ban tham mưu của bộ đầu não “quân quỷ” trung ương trí tuệ ra thế nào, chỉ đạt tầm bậc thấp hay sao mà lại cho đăng bài liên quan đến tự do, đến quyền con người quá kém cỏi. Nó lồ lộ kiến thức khô cứng thuần sách vở tuyên giáo, nó thể hiện nghiệp vụ lý luận ngang tầm các em học sinh trung học phổ thông làm bài kiểm tra theo lối học từ chương thụ động như chuyện tiếu lâm “...rắn... rắn là một loài bò, một loài bò... sát không chân... sát không chân...” không hơn không kém và để cho khách quan mọi người, tính luôn các bạn “kính đảng yêu bác Hồ” cùng nhau đọc, cùng nhau phân tích lý lẽ trong bài viết của Vọng Đức trên tờ báo Quân Đội Nhân Dân để xem vài dòng phê phán vừa nêu có quá lố, có là mạ lỵ, phỉ báng báo đảng không nhé:

“Tự do và quyền con người là những giá trị cao quý của nhân loại. Không có chế độ xã hội nào, không có nhà nước đương đại nào phủ nhận giá trị đó. Sự khác biệt về nhận thức lý luận đối với những phạm trù, khái niệm trừu tượng như khái niệm tự do và quyền con người cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những quan niệm ấu trĩ, sai lầm về “tự do” và “quyền con người” đã khiến cho người ta có hành vi vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. 

Chẳng hạn dựa vào nhận thức sai lầm về tự do ngôn luận, một số blogger trong “Câu lạc bộ nhà báo tự do” viết bài xuyên tạc chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoặc dựa trên “công thức” xơ cứng, sai lầm về pháp luật: “Điều gì luật pháp không cấm thì đều có quyền làm”, người ta kêu gọi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992.” (*)

Lời giới thiệu, lối dẫn nhập bài bản sơ đẳng về tự do, về quyền con người của Vọng Đức hơi lố lăng sai lệch, có ý đồ trình diễn lý thuyết hơn so với thực tiễn đời sống tự do và quyền con người của người dân Việt Nam. Vọng Đức không khác với các lý luận gia cao cấp trường đảng, là có thói quen lý luận “bao la” trên trời dưới biển rồi cuối cùng cũng không che giấu được cái cố tật nói lấy được, nói kiểu quy chụp, vu cáo quen thuộc với các con chữ nhai đi nhai lại, nhổ ra liếm vào trông phát tởm như “…quan niệm ấu trĩ, sai lầm... công thức xơ cứng, sai lầm... xuyên tạc chính sách nhà nước...” rất mơ hồ, vớ vẩn không đưa ra chứng cứ nào khả dĩ thuyết phục.

Vọng Đức cũng có lập luận giống y chang như cái tòa án được gọi là nhân dân, quan tòa cứ vô tư móc trong túi áo ra bản luận tội rồi kết án, không quan tâm đến nội dung tranh luận, biện hộ và phớt lờ luôn các nhân chứng, vật chứng có tính khách quan, trung thực như phiên tòa xét xử các bloggers của câu lạc bộ nhà báo tự do cùng với nhiều vụ xét xử tương tự khác, là cứ kết luận tuyên truyền chống phá, xuyên tạc chính sách luật pháp nhà nước... nhưng thiếu can đảm tranh biện sòng phẳng với bị cáo, chỉ dám khe khẽ phán: “...phát tán truyền đơn có nội dung nói xấu đảng, nói không hay về Trung Quốc...”

Rồi để lý giải về tự do, Vọng Đức tự đặt câu hỏi, tự chủ quan trả lời hành động như thế nào mới “nhận thức” đúng với ý nghĩa tự do như sau:

“Vậy tự do là gì và trong đời sống thường nhật, người ta phải hành động như thế nào cho phù hợp với quan niệm đúng đắn về tự do? 

Khái niệm tự do trong triết học được xem là một giá trị cao quý, cơ bản của nhân loại. Theo nhà triết học Locke (John Locke 1632-1704) “Tự do là khả năng con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn mà không gặp bất kỳ cản trở nào". Như vậy tự do ở đây chỉ là khả năng của con người. Còn nhà triết học cận đại Hegel (G.W Friedrich Hegel 1770-1831) thì cho rằng: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức”. Như vậy, ở đây tự do không chỉ là nhận thức mà cả ở hành động. Tuy nhiên, theo Hegel, muốn có tự do thì trước hết phải nhận thức được cái tất yếu, cái quy luật. Người ta nhận thức được quy luật đến đâu thì hành động tự do được bảo đảm đến đấy. Vi phạm quy luật, tất yếu sẽ bị mất tự do. 

Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, loài người còn có giá trị khác, cao quý không kém tự do, đó là ý thức về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, với dân tộc và gia đình. Phải chăng, đây mới là giá trị phân biệt loài người với phần còn lại của thế giới.”(*)

Đọc đoạn luận văn dài dòng văn tự tối tăm, lủn củn theo định hướng, đủ cơ sở để kết luận rằng, Vọng Đức viết nhưng không biết mình viết gì bởi qua lý luận tự biên tự diễn rất tào lao, rất nhảm với các con chữ “...cái quy luật, cái tất yếu, phân biệt loài người với phần còn lại của thế giới...” không dính dáng gì đến mục tiêu lý giải giá trị tự do để giúp người đọc nhận ra, hiểu rõ “tự do là gì trong đời sống thường nhật và khái niệm tự do trong triết học ra làm sao ” do chính đương sự đặt thành vấn đề. Qua đó chỉ ra cho chúng ta thấy rằng cá thể Vọng Đức và không loại trừ khả năng có cả tập thể “quân quỷ” trung ương, là không phân biệt được tự do trong cuộc sống đời thường với khái niệm tự do trong triết học nên đã lúng túng, vẫy vùng không lối thoát trên bề mặt hai chữ “tự do” của hai tư tưởng gia John Locke và Friedrich Hegel.

Dù ấm a ấm ớ diễn giải tự do trong đời thường và khái niệm tự do trong triết học, kiểu học trò chưa đủ sức thuyết phục bạn đọc, Vọng Đức lại ôm đồm, liều mạng lao đầu vào sân chơi chữ nghĩa, bàn về tự do “phức tạp” trong chính trị:

“Trong chính trị, quy luật cơ bản liên quan đến sự tồn tại, phát triển của một dân tộc trước hết là quyền dân tộc tự quyết. Quyền này bao gồm: Quyền xác lập chế độ chính trị, thể chế quốc gia và hệ thống pháp luật. Tất cả các quốc gia, kể cả tổ chức chính trị lớn nhất hành tinh như Liên hợp quốc đều phải tôn trọng quyền đó. Với quyền này, các nhà nước có quyền áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó có xây dựng và thực thi pháp luật để bảo vệ chế độ của mình. 

Những hành vi chống lại chế độ chính trị và nhà nước hiện hữu là vi phạm quy luật, tất yếu sẽ mất tự do. Nhận thức đúng đắn về tự do của cá nhân không thể không nhận thức đúng quy luật này. Nói một cách đơn giản: Không có quyền tự do cá nhân nào được phép đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính trị, lợi ích của Nhà nước.” (*)

Nói thật với lập luận như thế này “...quy luật cơ bản liên quan đến sự tồn tại, phát triển của một dân tộc trước hết là quyền dân tộc tự quyết...” của Vọng Đức là chân thành, là đúng đắn không thể tranh cãi thì chỉ cần đặt câu hỏi với các cấp “quỷ” quỷ quái của đảng rằng: “...kể từ khi đảng cộng sản Việt Nam bịp bợm lợi dụng lòng yêu nước cướp chính quyền từ tay chính phủ non trẻ của thủ tướng Trần Trọng Kim, dân tộc Việt Nam có quyền tự quyết, có quyền xác lập chế độ chính trị, thể chế quốc gia và hệ thống luật pháp như lập luận của Vọng Đức chưa?...” Nếu câu trả lời là chưa thì những viện dẫn, biện giải có lẻo mép cách mấy đi chăng nữa, tất cả đều biến thành con số 0 to tướng bởi tư duy không thấu đáo sẽ dẫn đến suy luận sai và suy luận sai sẽ sinh ra lý luận củ chuối “Không có quyền tự do cá nhân nào được phép đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính trị, lợi ích của Nhà nước...” là chuyện đương nhiên phải thế.

Chắc hẳn Vọng Đức cùng với cơ quan trung ương quỷ quái của báo lề đảng thừa biết rằng, không có ai “điên” đòi hỏi quyền tự do “...đứng trên hoặc chà đạp lên chế độ chính trị, lợi ích nhà nước...” như Vọng Đức tưởng tượng và không ai ngu ngốc đấu tranh giành lấy cái tự do quái đản nhan nhản trước mắt hàng ngày của cán bộ, đảng viên, quan chức đảng cộng sản độc quyền là: “... tự do cướp đất nông dân, tự do cấu kết với tài phiệt quốc tế bóc lột sức lao động công nhân, tự do ngụy tạo chứng cứ, thay đổi chứng cứ nhằm kết án người dân thấp cổ bé miệng, tự do tham nhũng, hối lộ, buôn đất rừng, bán biển đảo của tổ tiên, tự do rút ruột công trình, ăn cắp của công làm của riêng, tự do bắt người tùy tiện, tự do giết người có bảo kê của công an cảnh sát, tự do bịt miệng những người dân hiểu biết quý trọng giá trị của tự do... (**)

Ý nghĩa tự do đích thực mà người dân Việt Nam đấu tranh đòi hỏi là quyền tự do phổ quát của thời nay, nói chính xác là loại “Tự do nhân loại đang hướng tới là tự do nhân bản, văn minh có ý thức của trí tuệ như: tự do bày tỏ chính kiến; tự do phản kháng bất công; tự do yêu sự thật lên án dối trá; tự do sống vì người, vì lợi ích chung của mọi người; tự do làm cách mạng lật đổ giai cấp thống trị tàn dân hại nước, đi ngược ý chí, nguyện vọng của toàn dân. 

Đây mới chính là giá trị đích thực của tự do mà loài người mong đợi, phải trả giá máu và cả mạng sống chính mình để có được chứ không phải thứ tự do hoang dã man dại của thời tự do “người săn giết người” và thứ tự do rừng rú trong nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo được gọi là “sáng suốt” của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay!?”(**)

Nói về quyền con người cũng giống như cách luận bàn định hướng nhận thức về tự do, Vọng Đức lại đặt câu hỏi với giả thuyết ngớ ngẩn về quyền con người như sau:

“Bây giờ trở lại vấn đề quyền con người, xem quyền con người là gì? Vì sao có những người cho rằng, họ chỉ “thực hiện những quyền con người của mình, đã được pháp luật ghi nhận” mà lại bị bắt bớ, xét xử?

Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Với tư cách là một giá trị đạo đức, quyền con người là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: Nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Khái niệm này là phương hướng cho sự phát triển của nhân loại.

Với tư cách là một giá trị pháp lý, quyền con người là các quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng. Có thể nói cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã thỏa thuận với nhau những chuẩn mực chung về quyền con người. Những chuẩn mực này được ghi trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, 1948, “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa”, 1966. 

Tuy nhiên, Luật quốc tế về quyền con người không trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và người dân ở mỗi quốc gia. Các nhà nước nội luật hóa những công ước đã tham gia vào hệ thống pháp luật của mình, trên cơ sở đó các quyền con người ở mỗi quốc gia mới được bảo vệ trên thực tế.” (*) 

Một lần nữa, Vọng Đức lại tự đặt câu hỏi để chọc cười bạn đọc “vì sao có những người thực hiện quyền con người mà bị bắt bớ, xét xử” nhưng Vọng Đức kín miệng “bảo vệ bí mật quốc gia”, không chỉ ra những con người cụ thể nào có nhận thức không đúng, những hành xử quyền con người sai điển hình ra làm sao để phải bị bắt giữ, xét xử mà lại ấm a, ấm ớ nói lòng vòng chuyện trên trời dưới biển như bài tập làm văn theo đúng đáp án của tuyên giáo, dù đáp án còn nhiều mâu thuẫn, câu trước “...trong luật quốc tế về quyền con người không có quy định về quyền tự do...” chửi câu sau “...các quyền tự do về tư tưởng... về ngôn luận... về lập hội... được ghi nhận” có đoạn viết:

“Ở Việt Nam, các quyền con người đã được nội luật hóa trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Nói cách khác, việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam đã được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Viện dẫn quyền con người nói chung mà không dẫn ra được những quyền đó được quy định như thế nào trong pháp luật quốc gia là thiếu tính thuyết phục, là không thể chấp nhận.

Trong luật quốc tế về quyền con người, không có quy định nào về “quyền tự do” nói chung. Một số quyền con người gắn với khái niệm tự do hình thành những quyền tự do cơ bản. Chỉ những quyền tự do cơ bản này mới được pháp luật bảo hộ. Đồng thời, những quyền (tự do) này phải chịu một số hạn chế của pháp luật. 

Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” 1966, các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; về tự do ngôn luận, báo chí; về tự do cư trú, đi lại; Về tự do lập hội, hội họp được ghi nhận. Đồng thời, Công ước này cũng khẳng định những quyền này có thể bị hạn chế “để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác”. 

Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam, một số quyền công dân cũng bị hạn chế. Điều này thường được quy định theo luật (sau khi quy định về nội dung quyền - Đối với Hiến pháp), hoặc được quy định trong khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn, Điều 88, Bộ luật hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, Điều 89 về tội phá rối an ninh…”(*) 

Bảo đảm đọc đoạn văn diễn giải, tù mù về quyền con người của Vọng Đức sẽ làm cho nguyên đám “quân quỷ” trung ương đảng rối thêm, ngu thêm chứ không cách nào giúp cho bọn “quân quỷ” quân ma đó có nhận thức đúng đắn về tự do, về quyền con người. Thiết nghĩ nhận thức về quyền con người của các ông bà “quân quỷ” có đúng đắn hay chăng là cần phải đọc bài của nhà báo Đoan Trang viết về quyền con người, một ngòi bút trẻ sắc sảo với văn ngôn giản dị dễ hiểu, viết rõ ràng như nói, viết rất thật, rất hay không chắc có ai khác viết hay hơn nhưng không thiếu phần dí dỏm hấp dẫn lôi cuốn có kèm dẫn chứng sống động cụ thể, không giống như “tiểu thuyết” của các văn nô bồi bút hư cấu xếp chữ, đặt lời tụng ca bác đảng:

“...Nhân quyền không thể được ban cho hay bị lấy đi, nó là của bạn vĩnh viễn từ khi bạn ra đời cho đến khi bạn chết. Chỉ khi nào chết, người ta mới không còn nhân quyền. Cũng không có chính quyền, nhà nước nào “ban” nhân quyền cho bạn được. Nếu có ai “ban” nhân quyền cho bạn thì đó là cha mẹ bạn, hoặc “siêu hình” hơn thế, là tạo hóa.

Nhân quyền không thể bị chia nhỏ. Nó là một tập hợp quyền đi cùng nhau, không có chuyện quyền này ít quan trọng hơn quyền kia, ít thiết yếu hơn quyền kia cho nên có thể “để sau cũng được”. Không có chuyện bạn có quyền sống, ăn no ngủ kỹ, nhưng không có quyền ngôn luận vì lẽ Nhà nước cho rằng tự do ngôn luận thời điểm này chưa cần thiết. Cũng vậy, quyền tự do ngôn luận không thể bị chia nhỏ theo kiểu “anh/ chị nói gì cũng được, phát biểu gì cũng OK, miễn là không cấu kết với ai, không thành tổ chức”.

Nhân quyền là phổ quát và như nhau ở tất cả mọi người. Không có “nhân quyền kiểu phương Tây”, “nhân quyền của nước Việt Nam XHCN”. Nhân quyền là nhân quyền, là những quyền căn bản của con người, ở đâu thì cũng vậy. Nếu nói ở Việt Nam dân trí thấp cho nên phải hạn chế quyền tự do ngôn luận chứ không để thoải mái “như Tây” được, nghĩa là mặc định rằng người Việt Nam thấp kém hơn người phương Tây hay thậm chí không phải là người. Đó chính là thứ tư duy chà đạp nhân quyền. Từ tư duy này, sẽ dẫn đến hành động vi phạm nhân quyền.

Mọi con người đều được hưởng nhân quyền, và song song với đó, đều có nghĩa vụ không xâm phạm nhân quyền của người khác...”(***)

Thú thật, nghe thấy Vọng Đức diễn giảng về tự do, về quyền con người bằng ngôn ngữ trời ơi đất hỡi, bình dân không ra bình dân, bác học không ra bác học, toàn thứ lý lẽ xà bát, xà bần làm cho cái đám “quân quỷ” trung ương bộ quốc phòng phê thuốc “giáo mác, lưỡi lê” tối tăm mặt mũi “tẩu hỏa nhập ma” dẫn đến trạng thái bềnh bồng như kẻ mộng du đi trên mây nên có nhận thức lệch lạc, hiểu sai thì tương đối còn chấp nhận được. Còn nếu như khi nghe thấy nhà báo Đoan Trang nói về tự do, bàn về quyền con người qua ngôn ngữ bình dân, ngắn gọn, súc tích sát với thực tế của cuộc sống đời thường như đoạn văn vừa trích dẫn mà cái tập thể “quân quỷ” trung ương của tờ báo Quân Đội nhân Dân, vẫn chưa nhận thức đúng về tự do, về quyền con người thì vô phương cứu chữa, chỉ còn có nước bó tay chấm cơm, bó chiếu đem chôn mà thôi.

Tóm lại, xét đến những gì đã đang xảy ra trong nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đối tượng cần điều chỉnh hành vi, nhận thức đúng đắn về tự do, về quyền con người, có lẽ đảng cộng sản Việt nam phải lệnh, phải chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc điều tra làm rõ để biết, để không tồn tại mơ hồ là ai cần hiểu đúng, nhận thức đúng về tự do, về quyền con người chính xác hơn: dân hay đảng?



___________________________________

Chú thích:



© Copyright 2019 BackUp Dân Làm Báo, All rights reserved

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.