Giải pháp nào cho ngành giáo dục Việt Nam?
Trần Trường Sa (Danlambao) - Trong vòng không đầy một tháng, không bàn chuyện chính trị - ngoại giao, chỉ riêng trong lỉnh vực xã hội đã có ít nhất hai bộ trưởng bộc lộ sự yếu kém và thiếu cả đạo đức. Đó là phản ứng của bà Tiến trong vụ chủng ngừa văcxin gây tử vong cho trẻ sơ sinh và ông Luận để lộ việc ép các sở giáo dục cam kết tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay không cao hơn năm ngoái. Vì có nhiều tỉnh thành vi phạm cam kết này nên ông Luận đã cảnh cáo họ tại một hội nghị ở Đà Lạt.
Bàn dân thiên hạ khen chê, bình phẩm rất nhiều về hai vụ này. Thậm chí nhiều người còn đề nghị bà Tiến từ chức hoặc bảo ông Luận không xứng đáng làm bộ trưởng. Thảo dân tôi không dám đưa ra chính kiến của mình, bởi vì nếu thôi chức vụ hai vị ấy thì ai thay? Tôi thách đố mọi người đấy! Dưới chế độ này ai làm bộ trưởng mà cải thiện được dù chỉ chút đỉnh tình hình y tế - giáo dục thì tôi xin vái bằng bố. Ngẫm lại, anh Cù thật chủ quan khi đòi ứng cử vào chức vụ bộ trưởng văn hóa thông tin hồi nào. Có lẻ lúc ấy anh ta còn quá lạc quan tin vào chế độ này. Đi tù là “hợp lý”!
Nay, nghe bà Doan đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học tôi chợt ngứa mồm xin góp vài ý kiến căn cứ trên sự tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia.
Nhìn chung, một số đông không tán thành việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Bởi vì:
- Có bao nhiêu nước trên thế giới không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học?
- Học sinh học 12 năm không có một kỳ thi nào làm sao đánh giá kiến thức của học sinh, sự chênh lệch khả năng tiếp thu giữa các vùng miền?
- Một số người tự học, không thi làm sao đánh giá năng lực của họ?
- …
Một số không nhỏ ủng hộ phương án bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học bởi vì một số lý do khá vụn vặt như:
- Học sinh học lớp 12 phải học rất căng thẳng. Thế không thi, học sinh nào định thi đại học ngành nào thì học môn ngành đó, các môn còn lại khỏi phải học chắc! Yêu cầu của thi tốt nghiệp phổ thông trung học là nắm những gì cơ bản nhất trong chương trình của môn học, để đạt được điểm trung bình (điểm 5) học sinh chỉ cần chú ý nghe thầy cô giảng và có chuẩn bị bài (khoảng 30 phút/2 tiết của môn học) trước khi lên lớp là đủ.
- Học sinh học lớp 12 phải đóng rất nhiều tiền. Tiền gì mà nhiều? Thanh tra giáo dục đâu mà để một số thầy cô lợi dụng việc thi tốt nghiệp phổ thông trung học để ép học sinh nộp tiền chống trượt... ép học sinh đi học thêm môn mình dạy ở nhà, còn đến trường thì cho học sinh ngồi chơi, chẳng thèm giảng bài!
- Chi phí coi thi, chấm thi tốn kém. Nếu vì lý do này thì có lẻ mai mốt bà Doan nên đề nghị bỏ các kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân, bầu cử Quốc hội vì chưa bầu đã biết kết quả thì bầu làm chi cho tốn kém!
- …
Song những lý do chính đáng ủng hộ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là đằng sau các lý do trên. Tôi xin lấy ý kiến của nhà giáo Đỗ Việt Khoa làm ví dụ:
- Để chuẩn bị cho kỳ thi, học sinh lớp 12 phải học rất căng thẳng, đóng rất nhiều tiền. Việc coi thi chấm khi vô cùng tốn kém. Từ việc "ép học sinh nộp tiền chống trượt", đến việc chi ngân sách phục vụ thi nhiều tỉ đồng... mà cuối cùng, gian lận thi vẫn như cũ.
- Năm đầu tiên của cuộc vận động “Hai không 2007”, cả nước coi thi nghiêm, tỉ lệ trượt tốt nghiệp rất cao. Báo chí phê phán, địa phương mất mặt. Sau đó, thanh tra Bộ không giám sát nữa, kỳ thi này lại trở về thói cũ, gian lận để đỗ cao tái phát.
- Bộ GD&ĐT hoàn toàn không có "thực quyền" xử lý các vấn đề của kỳ thi này. Quyền thuộc về các Sở GD& ĐT và lãnh đạo các tỉnh thành. Có thể nói, Bộ bất lực vì cơ chế phân quyền đó?
- Trong khi lãnh đạo Sở và Tỉnh thành họ lại muốn có báo cáo đẹp, phụ huynh và học sinh muốn con mình đỗ tốt nghiệp... cho nên có nhiều cách người ta làm cho kỳ thi không nghiêm. Cứ nhìn vụ việc của kỳ thi vừa qua sẽ thấy: Bộ GD&ĐT muốn thí sinh tham gia chống tiêu cực thi cử, nhưng sở lại có cách vô hiệu hóa biện pháp đó như là ra văn bản gây khó cho ai muốn thu thập chứng cứ tiêu cực thi, ghép học sinh trường yếu kém với trường khá giỏi, làm ngơ cho địa phương tiếp tục gian lận thi cử...
- …
Có vị giáo sư cho rằng việc ông Luận ép các sở giáo dục cam kết tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay không cao hơn năm ngoái là hoàn toàn hợp lý. Nhiều người phản đối lắm. Tôi thì cho là vì vị này chưa nói hết nên người ta mới phản đối. Chứ còn nói hết ý là: năm ngoái các địa phương đã gian nhiều rồi, chạm trần rồi; năm nay có bớt gian một tí thì tốt, nếu không thì cũng chỉ ngang đấy thôi, đừng gian vượt khung e khó coi! Cái tính hợp lý của một hành vi vô lý là ở chổ đấy. Hảy chịu khó áp dụng quy luật “Phủ định của phủ định” thì mới hiểu xã hội này được. Phải tư duy về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trên tinh thần ấy thì mới cảm nhận được sự sáng tạo của đảng ta!
Thôi, thì cứ cho việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là hợp lý thì ta hãy hình dung bức tranh giáo dục sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ như thế nào:
- Học sinh lớp 12 khỏi phải nộp tiền chống trượt, các môn không dự thi đại học khỏi cần quan tâm, quà 20 tháng 11, quà mồng 8 tháng 3, quà tết... cho các thầy cô ấy hơi dày một tí để khỏi bị điểm kém trong các kỳ kiểm tra học kỳ là được.
- Học sinh không còn làm phao thi, quay cóp, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa, vì có thi đâu mà gian! Nhưng tư tưởng gian lận, lòn lách vẫn cố thủ trong tư duy của các em.
- Các trường Đại học tha hồ tuyển sinh để thu tiền. Cả nước phổ cập đại học cho dù đó là “học đại”. Một vài tỉnh sẽ không tuyển công chức có bằng tốt nghiệp đại học ngoài công lập. Báo chí sẽ có việc mà phê với phán như chuyện không tuyển công chức có bằng tốt nghiệp đại học tại chức của một số tỉnh thành hiện nay.
- Nền giáo dục nước nhà cũng không vì thế mà sáng sủa hơn. Tư tưởng đạo đức học sinh cũng không vì thế mà lành mạnh hơn.
- Chi phí cho việc học một cách vô ích cũng không giảm đi mà còn có nguy cơ tăng lên vì sẽ có rất nhiều em học hành yếu kém nhưng cứ buộc cha mẹ phải bán lợn, bán bò để các em đi thi đại học; thậm chí tìm mọi cách vào một số trường đại học ngoài công lập kém chất lượng; vào các ngành đại học chả em nào học khá thèm vào như triết học Mác-Lênin; công đoàn chẳng hạn. Kết quả là sau bốn năm học tư duy của các em chỉ thay thế được cái cha mẹ đã mất đi!
- Xã hội sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tầng lớp công chức kém chất lượng phát triển vượt trần giới hạn như hiện nay vốn có.
- ...
Nói như vậy thì không lẻ chúng ta không làm gì cả, phó mặc cho nền giáo dục nước nhà suy vong mãi hay sao? Không, nhất định phải có giải pháp! Đó là:
- Không làm ngơ cho địa phương tiếp tục gian lận thi cử: Sự làm ngơ này có đảng lãnh đạo.
- Các địa phương kiên quyết dẹp bỏ bệnh thành tích, sĩ diện: bệnh này là sản phẩm riêng có của chế độ chuyên chính xã hội chủ nghĩa đảng trị.
- Bộ Giáo dục phải có trách nhiệm và quyền hạn hoàn toàn trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học: bộ không có được điều này vì các tỉnh thành còn chịu sự lãnh đạo của thành ủy hoặc tỉnh ủy bên đảng, mà đảng lại đứng trên cả chính phủ.. Ông bộ trưởng chả có quyền đối với cấp ủy phường xã, nói gì đến cấp tỉnh.
- Dẹp bỏ việc chuẩn hóa bằng cấp của cán bộ - công chức. Có bác sĩ dùng bác sĩ; không có bác sĩ thì dùng y tá; kiên quyết không phong bác sĩ không đủ trình độ chuyên môn: Rất tiếc chuẩn hóa danh hiệu là chủ trương lớn của đảng. Chủ trương này đã phá hủy danh tiếng của hầu hết các danh hiệu: kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ... và gần đây là danh hiệu giáo sư cũng chịu chung số phận! Xã hội trở nên mù lòa vì không thể nhìn vào danh hiệu để đánh giá trình độ thực sự của một con người.
- ...
Tóm lại, để cứu nguy cho nền giáo dục nước nhà, cái cần bỏ là sự lãnh đạo tự quyền, tự thị của đảng chứ không phải là bất cứ một kỳ thi nào!
03 – 08 – 2013