Đi tìm người cộng sản chân chính
David Thiên Ngọc (Danlambao) - Người xưa thường nói "Ngậm ngải tìm trầm" để chỉ cái quí hiếm của loài trầm mà nó thường tiềm ẩn chốn rừng thiêng nước độc khó mà tìm ra, cho nên phải dùng đến phép thuật, bùa chú..."ngải" (một loại bùa phép, mê tín trong dân gian ngày xưa) mới mong tìm được. Bởi có một điều rằng trầm là một loài quí hiếm, có công dụng để bào chế ra những phương thuốc đặc trị có ích cho con người. Hơn nữa nó tỏa mùi thơm đặc biệt khi đốt lên mà trong dân gian còn tin rằng mùi hương trầm có thể xua đuổi được tà ma quỉ ám... do đó người xưa mới ngậm ngải tìm trầm là thế.
Với lời ẩn dụ trên để chỉ cho sự khó khăn, hiếm có khi ta phải đi tìm trong đảng CSVN một người CS chân chính. Ở đây nó có một sự khập khiểng rằng, trầm cho dù là khó tìm ra nên phải "ngậm ngải", nhưng khi đã có được thì đó là vật quí giá có ích cho con người. Còn khó khăn để tìm một người CS chân chính nếu có được chăng thì cũng chưa chắc là hữu dụng cho cộng đồng dân tộc, cho xã hội. Do đó ta cần có nên chăng để phải cất công sàn lọc và kiếm tìm?
Bởi lẽ từ xưa đến nay trên toàn thế giới ai ai cũng rõ CS với phương châm là dối trá, bạo quyền là cương lĩnh và cướp đoạt là tôn chỉ mục đích. Lấy những thứ đó làm phương tiện và lấy hoang đường làm cứu cánh, mơ tưởng xa vời về một XHCN, CSCN, thế giới đại đồng xóa bỏ biên cương, ranh giới, mọi giá trị, mà nơi đó không còn người bóc lột người, làm việc tùy sức nhưng ăn tiêu thì tùy. Cần... cần cái gì có cái đó. Nào xe hơi, biệt thự, đô la, chân dài bát ngát xa hoa... Do đó họ tận dụng triệt để những phương tiệnđể bằng mọi cách đạt đến đích cùng của cứu cánh. Để rồi họ trượt dài trên "hư lộ", quyết bám lấy những phương tiện nêu trên mà bảo vệ những thành quả có được trên bước đường bóc lột. Họ luôn run sợ cho sự tồn vong của lâu đài đồ sộ xây dựng bằng máu xương của nhân dân trên nền cát, trên nền tảng là sự dối lừa và vô đạo.
Chúng ta không thể hời hợt, dễ dãi và cả tin. Cũng chính từ những lòng tin chân chất mà cả thế kỷ qua dân tộc VN đắm chìm trong tăm tối, khổ đau mà không một bút giấy nào có thể lột tả ra cho hết được. Ngược lại, ở người CS luôn tiềm ẩn sự dối lừa, xảo trá và mưu ma chước quỉ.
Trên con đường phục hưng đất nước, sắp xếp lại trật tự đạo đức xã hội, lập nên nền chính trị, thể chế chính danh, hoàn mỹ hơn và thực sự là tiếng nói là tấm lòng của muôn dân ký thác... tất nhiên có muôn vàn khó khăn và trở lực, cạm bẫy cũng không loại trừ. Tuy nhiên để cho công cuộc thay da đổi thịt trên thân thể Mẹ VN, đồng thời đem lại hạnh phúc trường tồn cho dân tộc thì cái điều căn bản đầu tiên để hướng cho hoạt động đi không chệch hướng chính là "Đa nguyên chính trị". Có được đa nguyên chính trị rồi thì chúng ta mới bước tới những bước tiếp theo. Nơi đây tôi xin mạo muội nói sơ qua về hai chữ "Đa nguyên".
"Đa nguyên " (ngoài chính trị ra, thuật ngữ đa nguyên cũng được dùng với một số nghĩa khác trong ngữ cảnh tôn giáo, kinh tế và triết học...) luôn đồng hành với Dân Chủ, Nhân Quyền, nó là 3 ngọn đuốc sáng soi cho con đường mà mọi dân tộc bước đi để xây dựng một xã hội nhân bản và phồn vinh. Không phải đến gần đây từ "đa nguyên" mới xuất hiện để đối kháng lại với "đơn nguyên" của chế độ độc tài, độc trị mà CS áp đặt trên các nước bị nhuộm đỏ, mà nó đã có từ giữa thế kỷ thứ 4 sau công nguyên để lập nên những giá trị làm nền tảng cho những cộng đồng xã hội ngoại Ki Tô giáo sống thích nghi, sinh tồn trong xã hội mà lúc bấy giờ là thời hoàng kim của xã hội KiTô giáo. Chính những giá trị tinh thần của cộng đồng xã hội ngoại Ky Tô đó đã khiến cho những vị đứng đầu Giáo Hội Ki Tô đầy quyền lực chấp nhận cho một sự thỏa hiệp, một sự hòa mình sống chung với nền văn hóa đặc thù của xã hội ngoài Ki Tô tương phản với Ki Tô Giáo (có thể gọi là đối lập) một cách hòa bình. Những giá trị đó là "Đa nguyên". Từ đó qua hàng thế kỷ xã hội đa nguyên phát triển không ngừng trong xã hội Châu Âu với phương châm "Tương đồng trong dị biệt". Sau này triết gia Pierre Abelard (1079-1142) đã nói rõ nguyên lý này rằng: " Diversa non Adversa"(tương phản nhưng không là địch thủ) và từ đó "Đơn nguyên" Ki Tô Giáo đã trở thành "Đa nguyên".
Khái niệm về "Đa nguyên" đã được các nhà chính trị, văn hào như Benjamin Constant, Alexis de Tocqueville tôn vinh như một con đường sáng để đem lại an lành, hòa bình cho xã hội.
Còn Nietzche thì cho rằng Đa nguyên bắt nguồn từ Đa Thần Giáo, việc tạo tác các thần linh cùng các vị Anh Hùng cùng những sự vật phản ánh bản năng phóng khoáng, đa dạng của tư tưởng con người và nó cũng là khát vọng của bản ngã, của mọi con người, của mọi tầng lớp trong xã hội.
William James thì cho rằng Đa Thần biểu hiện tính chất "Đa nguyên" của vũ trụ, là tổng hợp những hình thái và nguyên lý bao trùm vũ trụ.
Theo Aristote thì con người có 2 động cơ chính là quyền sở hữu và cảm tình. Hai yếu tố này không có vị trí trong xã hội "Đơn nguyên" khép kín của Platon, Hegel, Marx. Xã hội đa nguyên rộng mở trái ngược với xã hội đơn nguyên khép kín (CSCN) xem sự tự do, sở hữu cá nhân từ vật chất đến tinh thần đều là những trở lực, là thù địch với thể chế đơn nguyên độc trị.
Còn rất nhiều các triết gia, chính trị gia nổi tiếng nói về đa nguyên nữa nhưng tựu trung lại tất cả đều cùng một tư duy về đa nguyên là sự gắn kết không thể tách rời của sự sống (muôn loài) với thiên nhiên, vũ trụ luôn đa dạng muôn chiều... qua đó đa nguyên bao trùm, chất chứa tinh thần thực tiễn, đối nghịch lại với mơ hồ ảo tưởng. Đồng thời Đa nguyên song hành với phương pháp luận thực nghiệm (Pragmatisme). Có một điều ta thấy "Đa nguyên" nó gần gũi với xã hội VN hiện nay là nó "chấp nhận đối thoại", chấp nhận ý tưởng phát kiến của cá nhân không phân biệt dân tộc, tôn giáo hay quốc gia nào và nâng cao sự khiêm tốn, tự trọng, khách quan và bao dung. Đó là nền tảng của đạo đức muôn đời.
Nói tóm lại, với những nhận xét và lý luận của các triết gia, chính trị gia trên thế giới xưa nay thì ta có thể nói rằng xã hội đa nguyên là một xã hội rộng mở, nhân văn, đa diện... trái ngược với xã hội đơn nguyên, khóa chặt, độc tài thiển cận mà Platon, Hegel, Marx đã đề cao.
Từ xa xưa cũng chính cái ý tưởng của xã hội đa nguyên là nguyên nhân cho sự tan rã của các xã hội đơn nguyên khép kín mang hình thái bộ lạc, lạc hậu thiếu nhân bản và nhân văn. Cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước với sự sụp đổ của bức tường Berlin, hệ thống CNXH ở LX và Đông Âu cũng không là ngoại lệ.
Trở lại với tình hình chính trị xã hội VN thì con đường "Đa nguyên" không thể thiếu. Duy nhứt một điều dễ hiểu là Đa Nguyên - Dân Chủ - Nhân Quyền là ba yếu tố không thể tách rời trong một thể chế xã hội văn minh. Hơn thế nữa, một thể chế đa nguyên là thể chế của một chính quyền "pháp trị", sự quan hệ giữa người dân với chính quyền trên nền tảng pháp luật, nơi này pháp lý và vũ lực là hai gam màu tương phản với nhau. Trong đó "Tam quyền phân lập" rõ ràng, và nơi đó người dân tư tạo cho mình một khoảng trời riêng, tự quyết mà không bị áp đặt, bắt buộc hay định hướng một điều gì trên mọi phương diện, mọi hình thức.
Trong thế nước hiện nay, lò lửa nhân quyền, tự do, dân chủ đang phừng phực cháy. Những nhà yêu nước, dân chủ của chúng ta phải có một cương lĩnh, lập trường, lập luận sáng suốt và dứt khoát. Lúc này cũng là lúc mà kẻ xấu, kẻ cơ hội nhập nhằng thừa nước đục thả câu và vàng thau lẫn lộn. Nơi đây tôi cũng không khiêng cưỡng với cực đoan, đố kỵ. Không tuyệt đối phải quá quan trọng về quá khứ để làm nền tảng, chất liệu mà viết nên trang sử ngày nay và làm tiền lệ cho mai sau. Tuy nhiên những vết hằn trên thân thể Mẹ VN quá đậm sâu và bị gây nên bởi cường quyền CS, bởi một bầy đàn mà nói theo dân gian là "ngu mà lỳ" cộng thêm là một học thuyết phi nhân vô đạo, lấy lừa dối làm phương châm, lấy bạo quyền làm vũ khí để thâu tóm mọi giá trị từ vật chất đến tinh thần của dân tộc VN về cho một băng nhóm, cá nhân... những việc này "Tôi không nhắc lại" (xin lỗi y-tá 3X) vì nói nữa hơi nhàm, ai cũng đã rõ.
Theo như tôi đã dẫn chứng ở trên về xã hội đa nguyên-trong đó phương châm "Tương đồng trong dị biệt" để thích nghi, sinh tồn và sống chung cùng đối lập mà áp dụng cho xã hội VN thì e rằng có nhiều điều cần suy nghĩ. Chính trong những năm 60s của thế kỷ trước, lãnh đạo đảng CSLX Khrush Chyov đã có đường lối bác bỏ tư tưởng sùng bái cá nhân (I.V.Stalin) và sống hòa bình với thế giới Tư Bản. Đường lối này Mao trạch Đông gọi là "chủ nghĩa xét lại". Ở VN Gs Hoàng Minh Chính một lý luận gia cao cấp, giám đốc học viện Marx-Lenin đã ủng hộ tư tưởng, đường lối này và chủ trương sống chung hòa bình cùng nhân dân Miền Nam, chính phủ VNCH. Cuối cùng cả nhóm theo chủ trương của Gs Hoàng Minh Chính đều bị họa với con số khoảng 300 người trong đó có 30 người là nhân vật cao cấp (theo Journal of cold war History tháng 11/2005). Số thì bị bắt tù đày, số bị khai trừ ra khỏi đảng, giam lỏng và một số nữa phải tỵ nạn chính trị ở LX. Gs Hoàng Minh Chính phải chịu kinh qua 3 lần tù đày, giam giữ tổng cộng gần 20 năm.
Ông Trần xuân Bách-Ủy viên BCT TƯ đảng CSVN lúc tại vị-với tầm nhìn bao quát và muốn có một thể chế Đa Nguyên để xã hội tốt đẹp hơn và cuối cùng ông Bách đón nhận một hậu quả như thế nào thì ta đã rõ.
Trung tướng Trần Độ khi còn đang tại vị là một đảng viên cao cấp đảng CSVN. Ông đã nhìn xa trông rộng và thấy được sự sai lầm, xấu xa của đảng có thể đe dọa sự tồn vong của đảng và của xã hội, ông đã có tiếng nói " Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị, kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thối hóa ruổng nát, tắc tị không những của cơ thể xã hội mà của cơ thể đảng nữa.". Theo ông "Nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng." Nơi đây ông không hề chống đảng hay có một khuynh hướng chính trị đối lập mà muốn đảng trong sáng, mạnh mẽ hơn lên.
Chính những lời khẳng khái và ý chí này lại trở thành mũi tên bắn thẳng vào tim của chế độ, của đảng CSVN. Với sự bảo thủ và ác tâm của tập đoàn chóp bu CSVN, do đó ông đã bị khai trừ ra khỏi đảng CSVN ngày 4/1/1999 khi vừa tròn 58 tuổi đảng và sau đó cuộc đời ông phải gánh chịu và nhận lấy bao sự phũ phàng, oan khuất gây ra từ phía đảng và đến ngày cuối của đời ông, ngay trong đám tang của ông mà đảng cũng không buông tha cho một người gọi là "Đại công thần" của đảng chỉ vì có tư tưởng cách tân, muốn cho đảng mạnh mẽ, trong sáng hơn lên và cho xã hội đẹp tươi mà phải chịu cảnh nghiệt ngã. Nói như thế qua 3 dẫn chứng trên thì ta đã thấy rõ cái "Ngu mà lỳ" của CSVN như thế nào?
Ngày nay đứng trước tình hình đất nước, việc thành lập các đảng mới, thực hiện "Đa nguyên", đa đảng đối lập với đảng CSVN, công khai đấu tranh tích cực, cạnh tranh lành mạnh, trong sáng rõ ràng, sòng phẳng trên vũ đài chính trị là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên như phần đầu tôi đã nói, CS xây dựng lâu đài đồ sộ trên nền cát, do đó luồng gió Đa Nguyên - Dân Chủ - Nhân Quyền có cơ nguy sẽ làm sụp đổ lâu đài đó cho nên nó là "thế lực thù địch" của CSVN. Như ai cũng biết CS thâm độc, mưu ma chước quỉ, đê hèn... không việc gì là không thể làm được. Bản chất của người CS từ trong máu khó mà tẩy sạch. Tuy nhiên trong thời gian qua cũng có không ít cán bộ đảng viên CSVN đã nhận ra lỗi lầm của mình trong quá khứ và con đường đi theo là sai lầm và gây tác hại cho đất nước, cho nhân dân và đã cương quyết đoạn tuyệt với CS, với cái ác mà trở về với nhân dân. Những người này cần được chúng ta tôn trọng.
Ngược lại với những con người CS đang nắm quyền thì hai chữ chân chính khó mà tìm ra trên thân thể họ. Trước cơn bão nhân quyền, đảng CSVN không thể ngồi yên chờ sụp đổ mà sẽ bày ra những trò xảo thuật ma quái hạ đẳng vốn có để che mắt cộng đồng thế giới hòng khỏi bị loại ra khỏi sân chơi quốc tế. Đồng thời để xì hơi quả khinh khí cầu Nhân Quyền đang căng thẳng ở VN mà thế giới đang gây áp lực.
Một đảng mới như đảng X, Y, Z nào đó sẽ được tung ra với bàn tay lông lá của loài khỉ, vượn được nối dài từ động Ba Đình là không thể loại trừ. Thế sự mỗi ngày mỗi khác, mây trời còn đổi màu theo tiết mùa thì bầu trời nơi vũ đài chính trị VN cũng luôn thay đổi. Bên cạnh những người thật lòng, thật tâm với đất nước cũng sẽ có những con buôn chính trị mua bán đổi trao đổi chính trị với kẻ cầm quyền. Tuy nhiên, thế hệ trẻ VN ngày nay thông minh, kiên cường, bất khuất chứ không vô cảm, ngủ mê. Những Phương Uyên, Nguyên Kha, Minh Hạnh, Phong Tần, Thanh Nghiên, Hoàng Vi, Thục Vy, Duy Thức, Việt Khang và quần chúng với không gian internet rộng mở sẽ có đủ sáng suốt, nhận định, phán xét trong vũ đài chính trị đầy phức tạp này.
Riêng phần tôi, tôi luôn ủng hộ một đảng phái nào của các Anh Thư, Tuấn Kiệt, những nhà dân chủ VN đã và đang đổ xương máu cho nền Độc Lập-Dân Chủ-Nhân Quyền Việt Nam.