Lan man về chuyện lãng phí…
Thằng Lượm (Danlambao) - (Dân quê bàn chuyện chính trị)
Hiện nay, sau đề tài sửa đổi Hiến pháp, luật Đất đai thì đề tài chống lãng phí cũng là một đề tài nhức nhối trong XH nước ta.
Ông Ngô Minh nói về “kính thưa các loại lãng phí” ở VN như thế này: “Trong xã hội ta hiện nay có quá nhiều loại lãng phí rất “xót tiền dân”: Lãng phí vốn đầu tư vào các công trình không mang lại hiệu quả; lãng phí đất đai, lãng phí điện nước, điện thoại, xe con, lãng phí lao động, lãng phí chất xám...v.v... Mỗi năm nếu cất công tính toán số lãng phí sẽ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, hơn thu ngân sách hàng năm của tất cả các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên! Trong lãng phí lao động, có một sự lãng phí đau xót nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp đi dự các cuộc họp hiếu hỷ nhiều quá.”. Đọc nghe thất kinh!
Ông Minh chỉ mới nói về lãng phí lãnh đạo trong việc đi họp và dự các loại lễ lạc. Theo tui, lãng phí lãnh đạo không chỉ vậy, mà còn lãng phí về số lượng lãnh đạo từ Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể, quân đội, công an và UBND các cấp nữa.
Có người cho rằng:lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Bởi tham nhũng còn có con số để xem và thực ra cũng không khó chống, còn lãng phí thì hơi khó nhận biết, nó như một thứ văn hóa XHCN ở nước ta, được mặc nhiên thừa nhận và coi như “chuyện thường ngày” nên không bị phản ứng như tham nhũng. Nó muôn hình vạn trạng trong đời sống XH, trong đó có lãng phí số lần họp và số lượng lãnh đạo.
Lãng phí họp thì ai làm cán bộ nhà nước từ cấp xã trở lên đều biết, “họp ngày, họp đêm, họp thêm giờ nghỉ”. Ở nước ta, không ai thống kê một năm có bao nhiêu cuộc họp, nếu có chắc được ghi vào sổ “Kỷ lục thế giới”. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh tâm sự rằng, ông không đủ thời gian để đi họp! Làm cán bộ là chấp nhận làm “cán họp”, chẳng còn thì giờ đâu mà nghiên cứu, tìm hiểu thực tế.
Lãng phí lãnh đạo thì thấy rõ: cấp phó đông như kiến. Từ cơ quan Chính phủ cũng đã có tới 5 phó Thủ tướng!(một phó Thủ tướng được bầu thêm trong tháng 11/2013) Các bộ (và cơ quan ngang bộ) thì bộ ít nhất cũng có 5 thứ trưởng, nhiều nhất là 9. TP Hà Nội có tới 6 phó Chủ tịch, TP HCM có 5, các tỉnh thành khác từ 3 đến 4 phó Chủ tịch. Lại nghe ở Hà Nội, nhiều Sở có lúc tới 13 phó Giám đốc (theo báo vietq.vn ngày 10/01/2013) có nhiều phòng ban không có nhân viên, chỉ toàn trưởng, phó phòng. Nghe phát hoảng, chẳng biết trên thế giới có nước nào cán bộ cấp phó đông như ta không.
Ở nước Mỹ, chỉ thấy một phó Tổng thống. Bộ Ngoại giao (bộ quan trọng trong nội các) chỉ có 2 thứ trưởng, bộ Quốc phòng với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới chỉ có 1 phó bộ trưởng, các bộ còn lại đa số chỉ 1 thứ trưởng (theo vi. wikipedia, ngày 12/11/2013). Một đất nước rộng lớn gấp vài chục lần nước ta, dân số trên 320 triệu nhưng sao lãnh đạo gọn nhẹ làm vậy, nhiều khi thấy lo và tội nghiệp cho họ quá. Ít lãnh đạo như vậy thảo nào bị liệt vào thành phần “đang giãy chết”. Thấy mà thương!
Nhưng tại sao chế độ do đảng “thiên tài” lãnh đạo mà phải cần đến lực lượng lãnh đạo đông như vậy? Ở các nước không có “đảng thiên tài” lãnh đạo nên họ không cần nhiều lãnh đạo? Vậy “thiên tài” là do số lượng lãnh đạo đông như thế này sao? Chỉ mới “thiên tài” mà số lượng lãnh đạo đã đông như vậy rồi, nếu “đại thiên tài” thì số lượng lãnh đạo gấp bao nhiêu lần cho xứng?
Làm lãnh đạo chắc chắn không phải để cho vui mà phải có chế độ lương bổng và các khoản phụ cấp khác như xe con, văn phòng, thư ký, trà nước, điện thoại, máy tính xịn, lính tráng để sai vặt cho oai… Cấp trưởng tiêu chuẩn được 10, cấp phó cũng được 7, chả lẽ như thằng lính quèn coi sao được. Mỗi bộ có từ 5 đến 9 thứ trưởng thì tiêu chuẩn bằng mấy ông bộ trưởng? Thế mới biết chi phí cho lãnh đạo cấp phó không phải ít!
Trong khi đó, theo nghị định của Chính phủ “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ” được ban hành ngày 18/4/2012 thì “số lượng thứ trưởng ở mỗi bộ không quá bốn người. Đối với bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn bốn người do Thủ tướng Chính phủ quyết định”. (Quy định về cấp phó của Sở cũng tương tự như vậy)
“Chính phủ quy định rõ như ban ngày, dân ngu như tui đọc cũng hiểu liền. Nhưng Chính phủ cũng là “Chú phỉnh” nên nghe theo hay không còn tùy…”
Nhưng tốn kém cho lãnh đạo đông đảo không quan trọng lắm. Bởi tiền nuôi mấy ông/bà này do dân nộp thuế để nuôi. “Đảng ta” đã có kinh nghiệm xài tiền của dân “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, còn nguồn tiền thì “của dân làm, do dân nộp, vì dân nuôi”, nếu không đủ thì vay mượn xài trước cho đủ rồi “dân đời sau” tiếp tục trả, có mất tiền ông. bà nào đâu mà sợ đông với đủ?
Tính sơ sơ, cả nước hiện có 135 thứ trưởng ở 22 bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó đứng đầu số lượng thứ trưởng là bộ Tài Chính với 9 người. (tính đến ngày 01/11/2013). Kinh!
Đó là ở lãnh vực Nhà nước, còn bên đảng thì có 16 vị UV BCT, 175 UV TƯ đảng, rồi thì các ban bệ cũng không thua kém gì bên Nhà nước. Cũng văn phòng, trụ sở nguy nga như cung điện; cũng xe cộ, nhân viên, bổng lộc đủ kiểu. Ngặt nỗi bên đảng cũng xài ngân sách do dân đóng thuế nhưng không công bố nên chỉ đoán mò, không biết bao nhiêu, cứ tạm cho là bằng 2/3 bên Nhà nước thì cũng đủ chết “cái đất nước này rồi”!
Lãnh đạo đông như vậy nhưng nhìn vào lãnh vực quản lý, phụ trách nào cũng bê bết, toàn là “sâu” và “bộ phận không nhỏ” nhưng chẳng có lãnh đạo nào chịu trách nhiệm. Thế mới tài! “Đảng ta” “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách” nên càng đông càng vui, lỡ có chuyện gì xảy ra thì cùng chịu trách nhiệm, không cá nhân nào chịu riêng cả. Luật Hình sự nước ta không ai bắt tội “tập thể” bao giờ nên cứ vô tư chịu “trách nhiệm tập thể”, cùng lắm thì coi thằng nào không hợp “rơ” đẩy ra chịu trận, kiểm điểm rồi cho hạ cánh an toàn….
Có người cho rằng, do đặc điểm nước ta có quá nhiều hội họp và hội thảo (loạn họp), cộng với nhiều lễ lạc như: kỷ niệm, khởi công, khánh thành, thành lập cty, hiếu hỷ cho các cụ lớn… nên không đủ lãnh đạo để đi dự họp và dự lễ. Vậy té ra chúng ta cần nhiều lãnh đạo chỉ để đủ đi dự họp (dự lễ) thôi sao? Có người la hoảng: “họp gì mà lắm thế?”. Hỏi thế là hỏi cho vui chứ cán bộ họp cũng cực khổ lắm, chả ích sướng gì. Họp (dự lễ) xong, nhận phong bì, nhậu nhẹt “binh thiên”, “em út” chút chút cũng hao tốn sức khỏe lắm chứ. Nhưng muốn không đi họp, không nhận phong bì, không đi tăng hai, ba thì làm sao giữ được ghế? Thời buổi “ghế nhiều, đít không biết bao nhiêu”, sơ xểnh là mất ghế như chơi. Thôi thì cứ chịu khó đi họp. Trên bảo sao, dưới làm vậy, cải lại có nước “cạp đất mà ăn”!
Lãnh đạo đông để đủ người dự họp! Họp, họp nữa, họp mãi! Lâu dần lãnh đạo thành “cái máy họp”. Cái máy thì làm gì có lương tri nên lãnh đạo dần dần trở nên vô cảm, xử lý mọi việc như cái máy. Hậu quả là dân oan khắp nơi, án oan đủ kiểu. “Máy” lãnh đạo do đảng lập trình sẵn: “dân oan là thế lực thù địch, âm mưu diễn biến hòa bình-án oan thì lấy tiền Nhà nước( của dân nộp) ra bồi thường rồi tính sau”. Cuối cùng thì dân đành “tự xử”, không còn tin vào một đám “người máy” lãnh đạo nữa. Thế mới biết trong hệ thống luật ở nước ta, “luật rừng” cũng quan trọng không kém luật pháp. Ông Dương Tự Trọng (em Dương Chí Dũng) là đại tá, phó Giám đốc Công an Hải Phòng cũng dùng “luật rừng” để “tự xử” khi tìm cách đưa ông anh đi trốn (nhờ dân giang hồ cộm cán, kể cả tội phạm có lệnh truy nã) thì trách sao người dân không tìm cách “tự xử” như trường hợp của Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết. ?
Ở nước ta, làm lãnh đạo (đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước) đều do một tay đảng quy hoạch, chọn, phân công. Việc bầu bán chỉ là hình thức. “đảng ta” cho phép chọn lãnh đạo đông quá mức và sử dụng một cách lãng phí, tốn kém như vậy rồi bắt dân è cổ ra nuôi, muốn hay không muốn không được. Không muốn thì bị đảng đem Điều 258: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”hoặc Điều 88: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” chụp vào đầu, còng tay đưa vào tù. Ở tù thì chẳng ai muốn nên thôi thì ráng cắn răng mà chịu. Dân không dám nói thì đảng nói dân “đồng thuận” với đảng nên tiếp tục cho tay chân thân tín làm lãnh đạo. Để đủ chỗ cho lãnh đạo ngày càng đông thì phải tăng biên chế, chia tách huyện xã, , lập thêm hoặc khôi phục ban bệ trước đây đã giải tán (như hai ban Nội chính và Kinh tế TƯ).
Chính phủ nợ công ngập tới mũi, kinh tế Nhà nước đụng đâu lỗ đó, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhân công rẻ mạt, nhân tài bị bạc đãi nên thất nghiệp tràn lan. Tướng tá, lãnh đạo ngày càng đông lúc nhúc vậy mà “đảng ta” cứ nhắm mắt nói bừa: “Xây dựng nước ta đến năm 2020 cơ bản thành một nước công nghiệp hiện đại”. Không biết đảng lấy nguyên vật liệu gì để xây được mô hình này. Đọc câu này mà ngỡ mắt bị mù màu, phát sốt. Hoang tưởng kinh người!
Thôi, không biết thì “dựa cột mà nghe”. Ai biết thì chỉ ra dùm để tui còn “củng cố niềm tin chiến lược” cho vào nồi cơm sống đỡ qua ngày…
Vẫn biết chỉ là chuyện lan man, nhưng sao càng “lan” càng tức chịu không thấu…
Mùa đông Quý Tỵ
12/11/2013