Tiểu thuyết viết về 'Tư Bản Đỏ' bị cấm phát hành
Hà Nội (NV) - Quyển tiểu thuyết “Đại gia” tuy là sáng tác hư cấu nhưng lại miêu tả mối quan hệ làm ăn kiểu xã hội đen giữa quan chức và các tập đoàn kinh tế, bị buộc “đình chỉ phát hành”.
Chuyện này lình xình từ cuối Tháng Bảy vừa qua nhưng mới đây công ty sách Alpha liên kết với nhà xuất bản Lao Động đứng ra phát hành quyển tiểu thuyết nói trên đã phải gửi văn thư “đề nghị các đối tác thu hồi toàn bộ số ấn bản hiện tồn và gửi về kho của mình.”
Cho tới nay, dường như sách chưa được phát hành rộng rãi dù đã in xong trong tháng 7.
Đại gia là bộ tiểu thuyết 2 tập của tác giả Thiên Sơn, được giám đốc NXB Lao Động Lê Huy Hòa ký giấy phép xuất bản ngày 28-5-2013. Tập một có tiểu tựa “Tam giác ngầm” và tập hai có tiểu tựa “Quyền lực đen”.
Bìa tập 1 tiểu thuyết "Đại gia" và nhà văn Thiên Sơn.
Bộ tiểu thuyết 2 quyển này đang bị "đình chỉ phát hành". (Hình: VNExpress)
Ngày 31/7/2013, ông Chu Văn Hòa, cục trưởng Cục Xuất bản của Bộ Thông tin – Truyền thông CSVN, gửi văn thư đến NXB Lao Động và Alpha Books đòi hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”, và “chủ động đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách trên”. Đồng thời còn yêu cầu “có văn bản gửi về Cục Xuất bản trước ngày 25-8-2013”.
Cái văn thư của ông Chu Văn Hòa cáo buộc rằng “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương”.
“Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục rỗng đạo đức xã hội”.
“Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.
Trên báo mạng VNExpress, tác giả Thiên Sơn cho rằng tác phẩm của ông chỉ là sản phẩm của hư cấu “về mối quan hệ giữa người đẹp - đại gia, giới quan chức, về những quan hệ làm ăn có những thế lực ngầm chống đỡ phía sau.”
Theo ông, coi tiểu thuyết của ông "cường điệu quá mức" là phi lý vì “nghệ thuật phải hướng đến cái độc đáo, phi thường và không thể đồng nhất với sự cường điệu”.
Ông được thuật lời là "Hư cấu là công việc của nhà văn và đối với văn chương, việc hư cấu là không giới hạn. Tác phẩm của tôi có đề cập những đề tài nóng của xã hội: vấn đề tham nhũng, quyền lực ngầm... nhưng trong công cuộc chống tham nhũng của cả xã hội hiện tại thì đó là vấn đề thức thời, hợp lý và không có gì sai trái".
Chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội xưa nay vốn rất nhạy cảm với bất cứ gì bị nghi ngờ là chống đối hay chửi đảng và nhà nước. Báo chí tại Việt Nam đã nhiều lần đưa ra những lời cảnh cáo của một số người về những “sân sau”, “lợi ích nhóm” của đám quan chức có thế lực. Tiểu thuyết giả tưởng nhưng lại có vẻ “hiện thực” nên bị coi là vạch lưng chế độ ra để thiên hạ chửi.
Theo VNExpress, “Nhà văn mong những người thẩm định tác phẩm hãy đọc một cách sáng tạo, đừng soi mói, đối chiếu văn chương với hiện thực để quy kết.”
Tác giả Thiên Sơn cho rằng nếu Cục Xuất Bản muốn “thẩm định lại” thì “buổi thẩm định nên được công khai và để cho những người có trình độ văn chương ở các cơ quan văn học lớn như Hội Nhà văn, Viện Văn học đánh giá. Tác giả cũng đề xuất mở một cuộc điều tra độc giả, nếu cần thiết, để biết nhận định của họ, liệu có "ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội" như ý kiến của Cục hay không.”
VNExpress nói theo Thiên Sơn, “con số những bạn đọc ủng hộ tác phẩm trên mạng xã hội khá đông, khiến anh cảm thấy vui hơn là buồn”.
Hơn hai tháng trước, hàng trăm tờ báo và cả truyền thanh truyền hình “lề phải” mở chiến dịch “ném đá tập thể” một luận văn thạc sĩ của cô Nhã Thuyên, giúp cô trở nên nổi tiếng khắp nơi. Thật ra, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của cô Nhã Thuyên đã trình tại đại học sư phạm Hà Nội và được chấm điểm tối đa 10/10 hồi năm 2010 (khi đó mới 24 tuổi).
Luận văn có tựa đề “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”.
Hai năm sau, mới thấy ông giáo sư Phong Lê và nhà phê bình Chu Giang phát pháo chiến dịch ném đá tại “ Hội nghị lý luận phê bình lần thứ 3 của Hội nhà văn VN” ngày 05/6/2013. Rồi đến ngày 13/6/2013 thấy báo “Văn nghệ TP HCM” đăng tải bài viết của ông Chu Giang dập thậm tệ luận văn và tác giả Nhã Thuyên.
Tác giả Nhã Thuyên bị vu cho những tội tày trời đối với chế độ như “âm mưu lật đổ đảng cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “ kích động nhân dân chống chế độ”, “phỉ báng, bôi nhọ chủ tịch Hồ Chí Minh”, “một luận văn vô văn hóa, bẩn thỉu, đê tiện, chống lại chế độ, chống lại dân tộc, chống lại đất nước và chống lại cả loài người”…
Bị vu cho tội “chống lại cả loài người” nhưng nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn thuộc “Nhóm Mở Miệng” tại Việt Nam, ngày 25/4/2011 đã được Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế, IPA, trao giải Tự do Xuất bản 2011. Giải này được trao tại Buenos Aires, trong khuôn khổ Hội chợ sách quốc tế lần thứ 37. (TN)