Bài Mới

baimoi
qc

Nhân ngày 30 tháng Tư đọc lại: đảng Lao Động Cộng sản Việt Nam và Chủ trương Phát động Chiến tranh ở Nam Việt Nam

< A >
Phạm Cao Dương - Đây không phải là một bài viết theo nghĩa bình thường mà chỉ là những ghi chú liên hệ tới nguồn gốc của cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Hai hay là Chiến Tranh Việt Nam gọi theo người Mỹ. Người viết xin gửi tới các bạn đọc nhân ngày Quốc Hận 30/4/2014. Những ghi chú này được trích từ tập tài liệu nhan đề Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước 1954-1975, Những Sự Kiện Quân Sự, do Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, Học Viện Quân Sự Cao Cấp, Ban Tổng kết Kinh Nghiệm Chiến Tranh ấn hành ở Hà Nội năm 1980. Năm 1980 là năm cuộc chiến Trung-Việt hay cuộc chiến giữa hai nước Cộng Sản anh em Việt-Trung vừa mới bùng nổ năm trước. 

Mục đích của những ghi chú này là để cung cấp cho bạn đọc một số những tài liệu do chính nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đương thời phổ biến liên hệ đến chủ trương của đảng Cộng Sản Việt Nam và phần nào chủ trương của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tiến trình xâm lấn miền Nam ngay từ ngày 18/7/1954, hai ngày trước khi Hiệp Định Genève được ký kết cho đến ngày 20/12/1960, ngày Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được thành lập “với cương lĩnh và đường lối” không do những người lãnh đạo mặt trận này đề ra mà là do đảng Cộng Sản đề ra. Tất cả đều xuất phát và điều động từ Hà Nội. 

Để tiện cho người đọc theo dõi, người viết xin ghi theo thứ tự thời gian từng năm. Tất nhiên vì những tài liệu này được phổ biến vào thời điểm chiến tranh Trung-Việt, do nhu cầu của chiến tranh nên tất cả cần phải được phối kiểm với những nguồn tài liệu được ấn hành và phổ biến bởi phía những người Cộng Sản sau này, đặc biệt là các văn kiện đảng. Người viết cũng chỉ làm công việc ghi chú để gửi tới bạn đọc. Quyền nhận định hay phê phán là để dành cho từng bạn đọc. Có điều lá bài đã được chính người chơi kiêu căng, tự mãn, lật ngửa và cả thế giới đương thời một lần nữa mới thấy mình bị lừa. 

Lần thứ nhất bị lừa là vào giữa thập niên 1940 của thế kỷ trước đúng như Vua Bảo Đại nói với Học Giả kiêm Thủ Tướng Trần Trọng Kim là “Chúng ta già trẻ đều bị lừa” mà người viết sẽ trình bày cặn kẽ, chi tiết hơn trong tác phẩm sẽ xuất bản trong năm 2015 tới để kỷ niệm biến cố Mùa Xuân 1945 khi Đế Quốc Việt Nam và Nội Các Trần Trọng Kim được thành lập, một biến cố quan trọng đã bị người sau này bỏ quên hay cố tình không nói tới.

Sau đây là những ghi chú, xin gửi tới bạn đọc:

Năm 1954

1. Hội Nghị Trung Ương đảng lần thứ 6 nhóm họp từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7 năm 1954, vài ngày trước ngày Hiệp Định Đình Chiến Genève được ký kết. Hồ Chí Minh báo cáo chính trị về tình hình mới và nhiệm vụ mới: “Đế Quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương”.

Hội nghị ra phương châm: “Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp…” tr. 7

2. Bộ Chính Trị ra “Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của đảng”, ngày 5/7/1954. Bốn đặc điểm mới được nêu lên với đặc điểm thứ tư, từ phân tán sang tập trung: “Trước kia mang nặng tính chất chiến tranh du kích nay tình hình đã biến đổi, yêu cầu ta phải tập trung thống nhất lãnh đạo xây dựng kiến thiết miền Bắc, chỉ đạo công tác miền Nam.” (tr.11), “Cho nên tăng cường quân đội nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của đảng, Chính phủ và của toàn thể nhân dân ta”, “phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta, bắt cán bộ ta và quần chúng cách mạng, chống những hành động tiến quân của địch, giữ lấy quyền lợi quần chúng đã giành được trong thời kỳ kháng chiến, nhất là ở vùng căn cứ địa và du kích cũ của ta…”, (tr. 12)

Năm 1955

Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung ương đảng lần thứ bảy, từ ngày 3 đến ngày 12 tháng 3 năm 55, nghị quyết: “Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân.” Hồ Chí Minh: “Miền Bắc là cái gốc.” (tr.17).

Tháng 10, 1955: Trung Ương đảng chỉ thị cho miền Nam: “Đối với bọn đương chống Diệm hiện nay như Hòa hảo, Bình Xuyên, Cao Đài ở Nam Bộ, Đại Việt ở Quảng Trị, QĐD ở Quảng Nam, chúng ta cần nhận định rõ tính chất của chúng chống Diệm là vì quyền lợi, địa vị bản thân của chúng, nhưng chúng cũng đều chống ta và bọn nào cũng có nhiều hành động tàn ác đối với nhân dân. Nhưng hiện nay chúng đều chống Diệm, nên chúng ta phải triệt để lợi dụng mâu thuẫn mà lôi kéo chúng…” tr. 19

10/09/55: Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất họp tại Hà Nội thành lập Mặt Trận Tổ Quốc để “tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân” của Mặt Trận Liên Việt với Tôn Đức Thắng làm Chủ Tịch và 98 ủy viên, Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch danh Dự

Năm 1956

Nghị quyết của Bộ Chính Trị: “Vấn đề hết sức quan trọng là phải tranh thủ xây dựng lực lượng cách mạng”, lần này đã đặt vấn đề “đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa” (tr.28-29) và nhận định rằng “việc củng cố đảng ở miền Nam là một trọng tâm công tác có tính chất quyết định.”

Tháng 8 năm 1956, Lê Duẩn (Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương đảng đang công tác ở miền Nam) viết tài liệu về đường lối cách mạng miền Nam nhan đề “Đường Lối Cách Mạng Miền Nam” cũng xác định mục đích của đường lối này là “phải đánh đổ chính quyền độc tài phát xít Mỹ Diệm và đánh đổ bằng con đường cách mạng.” (tr. 30-31).

Tháng 12 năm 56, Xứ Ủy Nam Bộ họp để chấp hành Nghị Quyết của Hội Nghị Chính Trị Bộ tháng 6, 1956: “Con đưòng tiến lên của cách mạng miền Nam phải dùng bạo lực tổng khởi nghĩa giành chính quyền”, (tr. 33), bằng cách: “Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ ở rừng núi, tranh thủ vận động, cải tạo tâp hợp các lực lượng giáo phái bị Mỹ-Diệm đánh tan…”

Trên đây là những nhận định và hành động từ phía Cộng Sản Víệt Nam. Từ phía Trung Cộng thì các lãnh đạo của Trung Cộng đã có những cái nhìn ngược lại. Tài liệu này ghi: “Những người cầm quyền Trung Quốc khuyên ta trường kỳ mai phục”

Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, tháng 7 năm 55 gợi ý: “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất đất nước sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc.” (tr. 34-35)

Mao Trạch Đông, tháng 11, 56 nói rõ hơn: Việc chia cắt nước Việt Nam không thể giải quyết trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ…Nếu mười năm chưa được thi phải trăm năm.”

Nhận định về những khuyến này, các tác giả của tài liệu viết: “Đường lối trên đây bộc lộ rõ âm mưu của Trung Quốc muốn ta hạn chế đấu tranh cách mạng, duy trì lâu dài tình trạng chia cắt Việt Nam, sợ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, muốn dùng miền Bắc làm khu đệm cho Trung Quốc. Thế nhưng, đảng ta đã kiên quyết không chấp nhận lời khuyên đầy dụng ý xấu ấy. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã vạch trần và đập tan âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Với đường lối độc lập tự chủ của đảng ta, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên đánh đuổi kẻ thù, không bị động trường kỳ mai phục, chờ thời cơ như giới cầm quyền Bắc Kinh đề nghị.” (tr. 35)

Năm 1957

Tháng 10: “Chấp hành Nghị quyết tháng 6/56, Nghị quyết tháng 12/56 của Xứ Ủy Nam Bộ lập 37 đại đội vũ trang và đơn vị 250, cấp tiểu đoàn ở Miền Đông Nam Bộ” với Tây Nam Bộ 30 đại đội, Trung Nam Bộ 5 đại đội, Đông Nam bộ 2 đại đội, vũ trang hoạt động bí mật. Tuy nhiên ngay trong năm 1957 này, Xứ Ủy Nam Bộ đã “chủ trương sử dụng các đội vũ trang đi tuyên truyền và hỗ trợ đấu tranh chính trị: vận động quần chúng tham gia cách mạng, diệt ác ôn, thu vũ khí, vật chất để nuôi dưỡng bộ đội, nhưng phải bảo tồn được cơ sở chính trị”.

Gọi là bí mật nhưng tài liệu cũng nêu ra hai cuộc tấn công sau đây:

“Ngày 10-8-1957, lực lượng tỉnh Thủ Dầu Một tiến hành vũ trang tuyên truyền ở thị trấn Minh Thanh diệt 20 tên cảnh sát ác ôn, thu 40 súng và 10 xe ô tô.

Ngày 18-9-1957, lực lượng tỉnh Biên Hòa đột nhập tuyên truyền công nhân ở hai trại khai thác gỗ trại Be diệt ác ôn, thu 30 súng và một số xe.” (tr. 38)

Điều nên để ý là trong năm 1957 này, từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 7 tháng 12, một phái đoàn Cộng Sản Việt Nam do Hồ Chí Minh dẫn đầu đã sang Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng 10 của Liên Xô và Hội nghị đại biểu các đảng Cộng Sản và công nhân thế giới, mang về nhiều văn kiện quan trọng “giúp chúng ta soi sáng hơn nữa con đường cách mạng của nước ta” (tr. 38), “luôn luôn nêu cao tinh thần sáng tạo trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” (tr. 39)

Năm 1958

Giữa năm 1958, Xứ Ủy Nam Bộ thành lập Bộ Tư Lệnh Miền Đông Nam Bộ (sau đổi làm Ban Quân Sự Miền) và tập trung một số lực lượng của các tỉnh miền đông tổ chức thành 4 đại đội trực thuộc Bộ tư lệnh miền Đông. Riêng cho tỉnh Tây Ninh, vì có căn cứ của Xứ ủy, một liên đại đội được tổ chức lấy phiên hiệu là C1000. Mặt khác hai căn cứ khác cũng được Xứ Ủy thành lập. Đó là Khu B thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, phía tây bắc Sài Gòn, và Khu A thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.

Mùa hè 1958, “tiếp thu kinh nghiệm của Nam Bộ, quán triệt các nghị quyết Trung ương và tài liệu Đường Lối Cách Mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, Liên khu ủy đề ra nhiệm vụ xây dựng miền tây các tỉnh đồng bằng Khu 5 và Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng, bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở miền núi với nhiệm vụ tự vệ, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ”. “Do đó, sau này khi có nghị qyết Trung Uơng lần thứ 15, phong trào quần chúng nổi dậy khởi nghĩa vũ trang ở Tây Nguyên và một số ở đồng bằng đã lan ra nhanh chóng, tiến công địch rộng khắp trên toàn chiến trường miến Nam.” (tr. 43)

Về thành tích, tài liệu này ghi nhận là: “Đã có những trận tiến công vào đốn bốt, căn cứ địch, kết hợp đánh viện với quy mô lớn hơn trước như:

Ngày 10-8-1958, liên đại đội tỉnh Tây Ninh tiến công quận lỵ Dầu Tiếng, diệt 200 tên, bắt 30 tên, thu 200 súng tự động, sau đó đánh lui một tiểu đoàn địch đến tiếp viện cho Dầu Tiếng.

Ngày 20/10/58, Đại Đội Đặc Công tấn công trụ sở phái đoàn MAAG ở Biên Hòa, 19 Mỹ bị chết hay bị thương.” (tr. 41)

Năm 1959

Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương lần 15, tháng 5/59: “Con đường phát triển cơ bản của Cách mạng miền Nam là dùng bạo lực”, tr. 49

Tháng 5/1959: Quân Ủy Trung Ương ra nghị quyết thành lập Đoàn 559 còn gọi là Bộ Đội Trường Sơn tiếp tế người, vũ khí vô Nam bằng đường bộ, Đường Mòn HCM

Tháng 7/59 : Đoàn 759, tiếp tế bằng đường biển

9/59: Đoàn 959 cố vấn cho Quân Ủy Trung Ương Lào

Trên đây là những gì đảng Cộng Sản Việt Nam từ Hà Nội của miền Bắc đã làm nhằm tiến chiếm Miền Nam bằng võ lực. Tất cả đã xảy ra ngay từ vài ngày trước khi Hiệp Định Đình Chiến Genève được ký kết và nhiều năm trước khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, thường được gọi tắt là Mặt Trận Giải Phóng, được thành lập và trước khi nước Mỹ can thiệp bằng võ lực. Sau dây là những hành động kế tiếp của đảng này.

Năm 1960

Điều tra dân số miền Bắc (tháng 3) và công bố luật nghĩa vụ quân sự (tháng 4)

20/12/60: Thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam với “cương lĩnh theo đường lối đảng ta đề ra”.

Cũng năm 1960, tháng 5, những người cầm quyền TQ khuyến cáo CSVN: “Không nên nói đấu tranh quân sự hay đấu tranh chính trị là chính. Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay mà cuộc đấu tranh trường kỳ…Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được vì đế quốc Mỹ không chịu để như vậy đâu…”

Và gợi ý là “Miền bắc có thể ủng hộ chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đẻ ra các chính sách nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam. Khi chắc ăn, miền Bắc có thể giúp quân sự cho miền Nam, nghĩa là khi chắc chắn không xảy ra chuyện gì, có thể cung cấp một số vũ trang mà không cho ai biết. Nhưng nói chung là không giúp”, tr. 72-73. Lý do theo các tác giả của tập tài liệu, là vì Trung Cộng rất ngại phải đương đầu trực tiếp với Mỹ như đã trích ở trên. Xin được trích lại: “Đường lối trên đây bộc lộ rõ âm mưu của Trung Quốc muốn ta hạn chế đấu tranh cách mạng, duy trì lâu dài tình trạng chia cắt Việt Nam, sợ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, muốn dùng miền Bắc làm khu đệm cho Trung Quốc. Thế nhưng, đảng ta đã kiên quyết không chấp nhận lời khuyện đầy dụng ý xấu ấy. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã vạch trần và đập tan âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Với đường lối độc lập tự chủ của đảng ta, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên đánh đuổi kẻ thù, không bị trường kỳ mai phục, chờ thời cơ như giới cầm quyền Bắc Kinh đề nghị.” (tr. 35) Tại sao Cộng Sản Việt Nam lại dám chống lại Trung Cộng như vậy? Đó là vì sau lưng đảng này có Cộng Sản Liên Xô và nhiều đảng Cộng Sản khác. 

Điều chúng ta cần để ý ở đây là nguồn gốc và bản chất của Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam và nguồn gốc sâu xa của cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Hai, một cuộc chiến lẽ ra có thể tránh được.

Tiểu Sài Gòn, ngày 21 tháng 4 năm 2014


_________________________________

Chú thích: Tác giả là Tiến sỹ, Giáo sư Sử học của một số trường Đại học ở California.
© Copyright 2019 BackUp Dân Làm Báo, All rights reserved

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.