Tiệc - Tiệp và Tâm Sinh Nghĩa (phần 2)
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Rác là một vấn nạn khổng lồ đối với toàn thế giới. Việt Nam cũng không thể tránh khỏi. Rác rưởi cũng như những cặn bã, tệ nạn đang hoành hành nhức buốt toàn cõi Việt Nam. Chỉ riêng về nghĩa đen, có thể làm cho bất kỳ ai cũng vã mồ hôi hột khi biết [1]: “...hàng năm cả nước có gần 200 ngàn người bị mắc bệnh ung thư mới phát hiện” và cũng mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng “...1,5% - 3% GDP, trong đó chỉ riêng chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã tiêu tốn 780 triệu USD”.
Tâm Sinh Nghĩa - cái tên có nói lên bản chất?
Từ những thông tin tìm tòi của phần 1, người viết tiếp tục trình ra cho độc giả về một công ty có cái tên rất thánh thiện và nhân ái - Tâm Sinh Nghĩa.
Trong bài báo ra ngày 12/12/2013 có tựa [2] “TT-Huế: Các nhà máy rác đua nhau gây ô nhiễm”, phóng viên cho biết: “Nhiều năm qua, bất kể ngày, đêm Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, Bãi chôn lấp rác Thủy Phương (P.Thủy Phương, TX Hương Thủy, TT-Huế) vẫn ngang nhiên xả nước bẩn, thải bùn đất... trực tiếp ra môi trường, khe suối khiến người dân rất bức xúc”.
Theo đó, “Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Cty TNHH Môi trường và Công trình Đô thị Huế cho biết, mỗi ngày đơn vị thu gom khoảng 200 - 220 tấn rác, sau đó chuyển giao cho Cty Tâm Sinh Nghĩa xử lý khoảng 180 - 200 tấn rác...” và “...ông Nguyễn Huy Chương - Giám đốc Cty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa chi nhánh Huế thừa nhận, đơn vị cũng đã tiếp nhận được phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường nhiều năm qua....” rồi hứa “Dự kiến đầu năm 2014 đơn vị sẽ cho đóng cửa nhà máy 4 tháng để khắc phục, sửa chữa những sự cố trên giúp người dân ổn định cuộc sống” (?!). Không hề thấy đề cập đến trách nhiệm đền bù khi hàng loạt loại bệnh: đỏ mắt, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm phổi, viêm mũi dị ứng, ghẻ ngứa... mà hàng trăm người dân địa phương gánh chịu. Tâm Sinh Nghĩa tỏ ra thiếu văn hóa và đạo đức trong kinh doanh khi dùng chữ “giúp dân”. Tại sao chính quyền địa phương không buộc Tâm Sinh Nghĩa bồi thường thỏa đáng và xin lỗi người dân?
Tại Long An [3], “...năm 2009 UBND tỉnh Long An chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (TP.HCM) xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 400 tấn/ngày ở xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa. Nhà máy được khởi công vào tháng 2-2010, vốn đầu tư hơn 430 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng”. Mãi đến tháng 9/2012, dù đã trễ hạn gần 3 năm [4], “...Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư-Phát triển Tâm Sinh Nghĩa-Ngô Xuân Tiệc [báo cáo] về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, đến nay, Công ty đã đầu tư trên 200 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn đầu tư 348 tỷ đồng...”. Ngoài nguồn vốn đầu tư không đảm bảo (thiếu hơn 80 tỉ đồng so với cam kết), ông Ngô Xuân Tiệc cho biết do khó khăn về nguồn vốn nên chậm tiến độ và được UBND tỉnh Long An cho lui thời hạn hoàn thành dự án vào tháng 12/2012.
Trong bài báo vào ngày 08/8/2013, trang báo Nhân Dân cập nhật thông tin về nhà máy xử lý rác của Tâm Sinh Nghĩa tại Long An [5]: “...sau ba năm kể từ khi khởi công xây dựng, nhà máy vẫn chưa hoàn chỉnh được hệ thống xử lý chất thải. Đến nay, nhà máy chỉ mới hoàn thành được năm hạng mục, gồm khu tiếp nhận rác, tách và phân loại rác, sản xuất phân, kho và khu vực ủ phân. Do chậm đi vào hoạt động cho nên rác thải tại nhà máy ngày một đầy hơn, nguy cơ gây ô nhiễm đến môi trường chung quanh là rất cao. Chất thải để trong kho đã đầy, nhà máy phải tập kết rác bên ngoài và giờ đây nó trở thành một núi rác gây hôi thối, khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân chung quanh. Dù có đê bao chung quanh và có khu vực để lắng nước thải nhưng nếu mưa nhiều và lũ về, trong khi nhà máy chưa kịp vận chuyển rác vào kho thì việc nước bẩn sẽ bị rò rỉ ra bên ngoài là điều khó tránh khỏi”.
Mới hơn [6], “...vào các ngày 22/11; 29/11 và 2/12/2013, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Long An đã tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà máy. Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Huỳnh Thị Phép cho biết: “Qua ước tính, lượng rác cũ tồn đọng tại nhà máy còn khoảng trên 20.000 tấn. Lò đốt của nhà máy mới được đưa vào vận hành từ tháng 8/2013 có công suất đốt 140 tấn/ngày nhưng lượng rác tiếp nhận mới mỗi ngày phải đốt đã chiếm 80 đến 90 tấn. Như vậy, mỗi ngày lượng rác cũ còn tồn đọng chỉ giải quyết được khoảng 50 tấn, đồng nghĩa với việc rác cũ tồn đọng còn rất lâu mới có thể đốt hết”.
Rời bỏ những địa phương nói trên, mời bạn đọc “ghé qua” Kiên Giang để thấy [7]: “Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục gây ô nhiễm”. Dù đi vào hoạt động từ 11/10/2012, với công suất 80m3/ngày đêm theo công nghệ xử lý sinh học kỵ khí kết hợp với hiếm khí và lọc áp lực để xử lý nước thải, nhưng Tâm Sinh Nghĩa chỉ thực hiện được 20m3/ngày đêm so với thiết kế ban đầu, “đạt”... 25% công suất (!)
Một nhà máy xử lý rác thải tại Củ Chi - Tp.HCM, khánh thành vào tháng 12/2009 với vốn đầu tư 53 triệu USD, công suất 1.200 tấn/ngày do Vietstar đầu tư [8] và điều hành trung tâm này trong vòng 30 năm theo hợp đồng dài hạn với Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM. Phí đổ rác được tính 5 USD một tấn, thì Tâm Sinh Nghĩa cũng đang tiến hành đầu tư một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ tái chế nhựa và làm phân hữu cơ vi sinh công suất 1.000 tấn/ngày và đang tuyển dụng hàng loạt vị trí [9]: phó giám đốc, kỹ sư thiết kế thủy lực, nhân viên các loại v.v...
Mỗi ngày tại Hà Nội thải ra khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt [10] và Tp.HCM khoảng 6.400 tấn [11], với giá thành xử lý trung bình trên dưới 10USD/ tấn [12], vị chi mỗi năm, riêng 2 thành phố lớn này tiêu tốn không dưới 36 triệu USD, chưa kể hơn 60 tỉnh thành khác.
“Tâm sinh nghĩa” hay “tâm sinh bệnh”?
Tóm lại con số chi phí chỉ riêng cho việc xử lý rác trên toàn quốc có lẽ không dưới 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, điều đáng nói, dù phải bỏ ra con số khổng lồ như thế, nhưng hiện trạng ô nhiễm môi trường gây ra đủ các loại bệnh hoạn mà người dân gánh chịu từ Tâm Sinh Nghĩa nói riêng và các công ty chuyên về xử lý rác nói chung (như công ty Phương Thảo [13], công ty An Điền [13.1], công ty xử lý phế liệu rắn Việt Nam [13.2] v.v...) khó tính nổi bằng tiền và để lại biết bao loại bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền cho thế hệ lớn lên, dù gần hay xa từ những núi rác khổng lồ.
Đó phải chăng góp thêm phần lý giải cho bài phóng sự “Bệnh nhân ung thư trẻ hóa, gia tăng chóng mặt” [14] do báo Lao Động điều tra (?) cũng như dịch sởi hiện đang diễn ra với hàng ngàn bệnh nhân, hơn trăm sinh mạng nhỏ nhoi đã chết có liên quan gì đến hàng hàng lớp lớp rác phủ quanh cả dải đất Việt Nam? Có phải chính nó “chung tay” cùng vô số thực phẩm độc hại, quần áo nhiễm độc và các loại hàng hóa kém chất lượng khác, ồ ạt từ Trung Quốc tuồn sang đầu độc, đang giết dần giết mòn nhiều thế hệ Việt Nam? Một câu hỏi đắng ngắt và uất nghẹn khi nói về “trách nhiệm” của “bộ máy quản lý”!
Và nữa, bạn có biết [15]: “15% dân số Việt Nam có vấn đề về tâm thần là thống kê của Bộ Y tế, được nêu ra trong hội thảo khoa học Việt-Pháp về tâm thần và tâm lý y học [...] diễn ra ở Sài Gòn” vào tháng 10/2012 ? Hơn 12 triệu con người có dấu hiệu tâm thần các loại từ nhẹ cho tới nặng! Những con bệnh này có xuất phát một phần từ những núi rác ngập ngụa làm cho họ ngày càng thiếu kìm chế và dễ điên tiết hơn từ việc kém ăn và không ngủ được?
Hỡi ôi! Ung thư! Tâm thần! Hai chứng bệnh thuộc vào loại ghê gớm nhất, khó trị nhất đang tàn phá giống nòi Việt Nam!
Các thế hệ đang đối diện với chất lượng sống ngày một xuống cấp trầm trọng như thế đó. Với thể trạng èo uột, “thấp bé, nhẹ cân”, bệnh rề rề, tinh thần bải hoải, đầu óc vật vờ và bị nhồi sọ đến đần độn với chương trình giáo dục suốt nhiều năm tháng, có thể nào, thế hệ trẻ làm nên một cường quốc như người cộng sản lừa mị, trong đó có các “đại gia”, kể cả “đại gia rác rưởi” chung tay (?).
“Bệnh” ở đây không chỉ nghĩa đen mà còn đủ các “chứng”: “bệnh ung thư tham nhũng”, “bệnh liệt não liêm sỉ”, “bệnh suy gan nhân cách”, “bệnh to tim ngoại xâm”, “bệnh tàn phế giống nòi” v.v...
Nguyễn Sinh Hùng nói: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”. Thử hỏi người đàn ông 68 tuổi, vừa vô sỉ vừa ngu dốt: Dân nào quyết cho ĐCSVN “lãnh đạo toàn diện”? Tại sao ĐCSVN dám tự vỗ ngực nhận lấy cái thứ “sứ mạng” gọi là “lãnh đạo toàn diện” lại không đủ liêm sỉ nhận “trách nhiệm toàn diện”? Người đàn ông sinh ra ở vùng đất Nghệ An oanh liệt có tủi thẹn với tổ tiên, với làng mạc - nơi mà từ đó đã cho ông một cuộc sống “đế vương” và ngồi đấy, ngay trên đầu thiên hạ để chửi dân?
Trí thức Việt Nam cũng lâm bệnh từ “núi rác”?
Tồi tệ hơn, một số ông (bà) được gọi là “trí thức” đang gắn chặt lợi ích của bản thân, gia đình, phe nhóm cùng với ĐCSVN, từ đó ăn bám theo Phan Châu Trinh qua khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”(!). Trong hàng triệu người không ung thư thì tâm thần, không “bệnh” này cũng “tật” khác thì “khai” cái gì đây, vào lúc này? “Chấn” cái gì đây, trong hiện tại? Khi người dân ngày ngày mòn mỏi ngụp lặn và giống nòi cứ chết dần chết mòn như thế suốt bao năm qua!
Tư tưởng Phan Châu Trinh không sai về lý luận, nhưng có ai lật ngược để hỏi: “Tại sao tư tưởng đó mãi chỉ tồn tại như là một lý tưởng” trong xã hội cộng sản duy trì bằng bạo lực, dốt nát, bệnh tật và dối trá suốt 70 năm qua? Liệu mảnh đất khô cằn và nhiễm đầy độc tố mang tên “tổ quốc Việt Nam XHCN” có phải là đồng ruộng phì nhiêu tốt tươi để cho “hạt mầm” Phan Châu Trinh đâm chồi? Tại sao Nguyễn Thị Bình - cháu ngoại của nhà yêu nước này không thấm đẫm triết lý của chính người ông nổi tiếng của mình lại đi tiếp tay cho cộng sản? “Truyền thống yêu nước” - cái thứ mà người cộng sản luôn la to, mỗi khi ai đó xuất thân từ “nguồn cội” ”rũ bùn đứng dậy sáng lòa” và quyết dứt áo ra đi để đoạn tuyệt với cái ác độc, xấu xa tìm đường về với dân tộc, tổ quốc luôn bị người cộng sản sỉ vả, phỉ báng và bươi móc, đánh hội đồng như: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Lân Thắng, Đặng Chí Hùng v.v...
Điều nực cười, những người có “học vị” - “học hàm”, kể cả các “nhà báo” nhầm lẫn đến thảm thương cụm từ “dân trí”, cho nên họ đẻ ra thêm cụm từ “quan trí” [*]. Quả khôi hài! Họ không biết hay cố tình không hiểu ”dân trí” tức là “dân tộc trí”? Điều đó nghĩa là sự hiểu biết của một dân tộc, mà sự hiểu biết đó phải do tầng lớp tinh hoa của dân tộc đại diện và tầng lớp đó có nhiệm vụ làm đầu tàu kéo người dân tiến lên phía trước - nơi mà bất kỳ dân tộc nào cũng mong một đời sống tuân theo pháp luật, chứ không phải tầng lớp gọi là “tinh hoa” đó ngồi đâu đó, tách rời hẳn đời sống thực tại của dân để bảo [15A] : “Cái quan trọng theo tôi là tăng sự tham gia tích cực của nhân dân vào đời sống chính trị, tiến đến một xã hội thực sự dân chủ. Nếu quần chúng thờ ơ thì đảng nào lãnh đạo cũng thế thôi”. Không thể đặt mệnh đề “nếu quần chúng thờ ơ...” mà phải nói rõ với Đàm Thanh Sơn: “Trí thức Việt Nam tại sao để quần chúng thờ ơ?”. Đó là câu hỏi trí thức có trách nhiệm trả lời.
Chủ quan hơn, một số còn tiếp tay cho người cộng sản với cái gọi là “dân trí thấp” (!). Thử hỏi họ: Dựa vào những thang bậc nào, tiêu chuẩn quốc tế nào để họ mạnh miệng tuyên bố như thế? Thử hỏi họ: Có bất kỳ một nguyên thủ quốc gia văn minh nào dám chê bai người dân (nước họ) là “dân trí thấp”? Phải chăng chỉ có những xứ sở lạc hậu, loạn lạc, độc tài như: Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc và những quốc gia nghèo đói ở Châu Phi, nơi mà những tên độc tài mới có đủ “thẩm quyền” lộng hành hỗn xược và chà đạp dân chúng?
Ác thay, chính những ông (bà) như thế, họ ngợi ca, đeo đuổi và xem như là “chân lý” ngàn đời mang “mặt nạ” Phan Châu Trinh để dù vô tình hay hữu ý ru ngủ và lừa mị người dân theo cách: Luôn đi sau lưng họ và xem họ như những “chủ chăn cừu” (?)
Họ chưa bao giờ thử đặt câu hỏi: Nếu Phan Chu Trinh sống lại và đang chứng kiến những gì đang xảy ra tại Việt Nam, cũng như đối diện với những núi rác sinh hoạt và cả một “biển rác tinh thần” thì liệu ông có ngồi khóc ròng? Liệu ông còn đủ kiên nhẫn tiếp tục kêu gọi “khai và chấn” trước hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư và tâm thần cùng hàng triệu nạn nhân khác từ bàn tay tội ác của cộng sản trực tiếp giáng xuống? Thực tại Việt Nam hiện nay về mọi mặt thua xa cả thời Pháp thuộc, nếu như chúng ta bỏ qua những gì hào nhoáng mà lấy cốt lõi: văn hóa - giáo dục & giống nòi bệ rạc làm nền tảng để soi xét và so sánh?
Sự ám muội và khuất tất phía sau “giải thưởng Phân Châu Trinh” (do bà Nguyễn Thị Bình - cháu ngoại của nhà yêu nước này làm chủ tịch) đã bị lột mặt qua những “người đoạt giải” như: Hồ Ngọc Đại (con rể Lê Duẩn), Nguyễn Sự (bí thư Hội An - một tên độc tài chính hiệu như Trương Duy Nhất nhận xét [**]) v.v....
Ngay cả “giải thưởng Trần Nhân Tông” [16] (do nhóm người gồm: Nguyễn Văn An, Việt Phương, Hoàng Tụy, Phan Huy Lê, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Ngọc Vượng, Chu Hảo, Lê Mạnh Thát, Thích Thanh Quyết v.v..) cũng phơi trần sự lừa bịp ngô nghê thông qua cái gọi là “giải thưởng Trần Nhân Tông 2012” đã bị bà Aung Sann Suu Kyi và Tổng Thống Thein Sein từ chối khéo [17]. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn không hổ thẹn khi cho biết [18]: “Chúng tôi xin trân trọng thông báo: ông Thomas Vallely , Giám đốc chương trình Việt Nam và Myanmar , Đại học Harvard , đã chuyển Huân chương và Bằng chứng nhận Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà Giải 2012 đến Tổng thống Myanmar Thein Sein và Bà Aung San Suu Kyi vào đầu tháng 11 năm 2012 nhân chuyến công tác đến Myanmar của ông Thomas Vallely”. Thế giới chưa có hiện tượng “chèo kéo giải thưởng” như giữa chợ chồm hổm như thế này. Tổ chức trá hình này cứ ngỡ viện ra cái tên “Harvard” là thiên hạ hoảng hốt và qùy mọp trước “tượng đài” đó ngay ư (?). Điều đáng chê trách là một số ông bà nước ngoài đã tiếp tay cho những kẻ mặc áo tu hành hay những chiếc sơ mi trắng mang dáng trí thức.
Hãy nghe lời giải bày của Giải Hellman - Hammet 2012 - Huỳnh Thục Vy [19]: “Vai trò của giới trí thức thực sự trong mọi quốc gia là giám sát các hoạt động quyền lực chính trị để bảo vệ nền dân chủ”.
Hơn thế, cần phải đặt lên bàn những người mang danh trí thức: các ông các bà có chịu trách nhiệm chút nào trước các loại bệnh thể xác và cả “khổ tâm sinh bệnh” mà toàn bộ dân chúng đang phải gánh chịu? Hay chúng tôi nhận được câu trả lời tương tự như Nguyễn Sinh Hùng?
___________________________________
P/s: Đón đọc kỳ cuối: Công ty Tâm Sinh Nghĩa từ đâu ra? Liệu “vụ án” mà Nguyễn Hùng bị cho là “vu khống” có trở thành đòn quật lại người cộng sản?
Chú thích:
[11] cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/tphcm-day-nhanh-xay-cac-nha-may-tai-che-rac-20100201083925836ca33.chn
[*] Dân trí càng cao, quan trí càng phải trau dồi lên tương ứng. http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/dan-tri-quan-tri-617381.tpo