Gieo căm thù để gặt “anh hùng”
New York Times - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tường Sơn, Nam Việt Nam, 26/2/1974. Trường làng của Việt Cộng là ngôi trường thô làm bằng rơm và bùn nằm ở khu đất trống trong rừng, với những lô cốt cao bằng trẻ nhỏ ở hai bên trường. Trong lúc cô giáo viết bài học trong ngày trên bảng đen lồi lõm, 30 học sinh lớp ba ngồi với tập vở trước mặt.
Bài học dạy về một trong những anh hùng cá nhân hiếm hoi của Việt Cộng - Nguyễn Văn Trỗi, kẻ đã thực hiện không thành vụ giật sập cầu ở Sài Gòn nơi Robert S. McNamara đi qua vào năm 1964 khi ông là Bộ trưởng Quốc phòng.
Cô giáo mặc chiếc áo dài màu hồng mới chỉ viết đến “Nguyễn Văn Trỗi là người thợ điện Sài Gòn.” Người khách Mỹ đi rón rén đến em bé gái ngồi ở hàng ghế phía trước.
“Nguyễn Văn Trỗi là ai?” ông hỏi thầm bằng tiếng Việt.
Em liếc nhìn lên bảng đen.” Người thợ điện Sài Gòn,” em thầm thì đáp.
Nhưng khi những người khách hỏi lớp học những câu hỏi rộng hơn, các em học sinh lớp ba này dường như biết trước các câu trả lời đã được chấp thuận.
“Ai là người anh hùng vĩ đại nhất trong thời Việt Nam hiện đại?” Vài giọng nói nhỏ nhẹ đáp lại, “Bác Hồ.”
“Tại sao người Mỹ đến Việt Nam?” một bé gái trả lời, “Để cướp nước của chúng cháu.”
Ở phòng lớp tư kế bên cuộc viếng thăm làm gián đoạn bài học dường như bắt đầu từ vua Quang Trung, người quê ở tỉnh Bình Định, vị hoàng đế anh hùng chống Trung Hoa vào thế kỷ 18, rồi lan man sang “ vùng châu thổ sông Cửu long phì nhiêu.”
Năm sáu em bé trai và gái được hỏi khi lớn lên các em muốn làm gì. Tất cả các em đều nói họ muốn trở thành chiến sĩ để “giải phóng quê hương”.
Một vị khách gật đầu về hướng chủ nhà, một cán bộ Việt Cộng địa phương.
“Thế các cháu chẳng muốn trở thành cán bộ giống như anh Thảo đây sao?” Ông Thảo đỏ mặt.
Từ phía sau một em bé gái cao đứng lên.” Muốn chứ,” em đáp, “Cháu muốn trở thành cán bộ để lãnh đạo nhân dân.”
*
Nguồn: Báo New York Times ngày 26 tháng Hai, 1974. Tựa đề của người dịch. Nguyên tác tiếng Anh “Vietcong children Learn of a Hero”.
Bản tiếng Việt: