Bài Mới

baimoi
qc

Quân hại nhân dân?

< A >
Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Sau đại hội 11, thực trạng bi đát của đất nước cộng với sự suy thoái trầm trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã khiến cho niềm tin của dân vào đảng sụt giảm tới mức báo đông. Để đối phó, đảng đã tiến hành chỉnh đốn và sửa đổi hiến pháp. Chỉnh đốn đảng đã thất bại vì sau khi chỉnh đốn "sâu chúa cùng bầy sâu" vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng sửa đổi hiến pháp thì thành công vì đã có hiến pháp mới vào năm 2013. Khác với hiến pháp 1992 hiến pháp mới đưa thêm quy định quân đội phải trung thành với đảng vào điều 65 chương "bảo vệ tổ quốc" bắt buộc quân đội vừa phải trung thành với tổ quốc, nhân dân vừa phải trung thành với đảng.

*

Còn nhớ cách đây đã khá lâu, trong một lần nói chuyện vui, anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan bỗng hỏi tôi: Biết quân đội nhân dân là gì không? Ngớ người, lúng túng chưa biết trả lời sao thì anh liền một mạch: Quân đội nhân dân là quân dận nhân đôi. Quân dận nhân đôi là quân dận nhân hai. Quân dận nhân hai là quân hại nhân dân. Thật là bất ngờ! Chỉ sau hai hai lần nói lái và thay "nhân đôi" bằng "nhân hai" anh ta đã hạ bệ "không thương tiếc" một tổ chức mà tôi vẫn thường tự hào vì mình đã từng tham gia. Thì ra anh biết tôi là cựu quân nhân nên có ý trêu trọc.

Mặc dù cảm thấy bị xúc phạm nhưng tôi vẫn bình tĩnh tóm tắt những truyền thống tốt đẹp của quân đội cho anh ta nghe. Đại loại như khi mới thành lập chỉ với vài chục người đã giúp đảng cộng sản giành được chính quyền từ tay Nhật, Pháp. Đã từng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đánh đổ chế độ Pôn Pốt cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Đập tan cuộc xâm lược biên giới phía Bắc của bè lũ bá quyền Trung Quốc. Phải chịu đựng vô vàn hy sinh gian khổ trong từng ấy cuộc chiến nói trên. Và cuối cùng không quên thêm vào khẩu hiệu "Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình, được dân mến, được dân yêu" vốn được lấy từ ý của bài hát "vì nhân dân quên mình". 

Tưởng chỉ là câu đùa cho vui không ngờ anh vẫn tiếp tục bảo vệ nó. Chậm rãi, anh lần lượt kể cho tôi nghe những chuyện tiêu cực xảy ra trong quân ngũ. Chuyện cán bộ đơn vị cho lính về nhà làm kinh tế đến thời hạn lên nộp tiền cho đơn vị. Chuyện những đơn vị đóng quân trên địa bàn có gỗ quý cán bộ thường bắt lính khai thác gỗ đóng giường, tủ chuyển về quê cho mình. Chuyện cán bộ cấp dưới muốn lên cấp, lên chức phải nộp tiền cho cấp trên. Chuyện thời bình nhưng số sĩ quan mang quân hàm cao nhiều hơn thời chiến vì phong để hưởng lương, hưởng chế độ đãi ngộ... Nhân vật trong các câu chuyện anh kể đều là "người thật, việc thật" có họ tên và địa chỉ cụ thể nên tôi chỉ còn cách chống chế rằng những chuyện anh thấy chỉ là cá biệt còn nói chung bản chất quân đội ta vẫn là tốt đẹp... Cuối cùng thì cả hai tạm dừng mặc dù vẫn bất phân thắng bại. Sau đó ít ngày anh chuyển sang cơ quan khác, chúng tôi trở nên ít khi gặp nhau và có thì cũng không còn đả động tới cuộc tranh luận trên nữa.

Từ ngày ấy đến nay tuy không tranh cãi với ai về chủ đề trên nhưng cứ mỗi lần nghĩ tới tôi lại cảm thấy ngày càng đuối lý hơn, bởi đã biết được nhiều sự thật về quân đội về các cuộc chiến tranh mà một thời từng bị bưng bít, bóp méo, thổi phồng. 

Tháng 3/1945 Nhật hất cẳng Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam. Nhân cơ hội đó vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập và giao cho nhà sử học Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Tính đến tháng 8/1945 thì chính phủ này mới tồn tại được 5 tháng nhưng đã kịp làm được rất nhiều việc hữu ích cho đất nước. Cũng trong tháng 8/1945 Nhật đầu hàng đồng minh và đóng cửa các doanh trại chờ quân đồng minh vào giải giáp vũ khí. Như vậy tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thực chất là cuộc cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải là giành chính quyền từ tay nhật, Pháp như nhà nước cộng sản vẫn thường tuyên truyền. 

Sau 2/9/1945 nhân cơ hội đồng minh giải giáp vũ khí quân Nhật, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam. Vì đã biết VNDCCH là nhà nước cộng sản nên Mỹ đã khuyến khích, giúp đỡ tích cực sự trở lại này nhằm ngăn chặn thảm họa cộng sản. Giả thuyết nếu chính phủ lâm thời của Việt Nam lúc đó không phải là cộng sản sẽ không xảy ra cuộc chiến chống Pháp khá gần sự thực bởi sau thế chiến 2 nước Pháp tan hoang, kiệt quệ khó lòng mở lại một cuộc chiến xâm lược nếu không có sự trợ giúp của Mỹ. Biết không thể tránh, chính phủ VNDCCH đã phát động cuộc kháng chiến chống xâm lược vừa nhằm bảo vệ chính quyền, vừa nhân cơ hội để thanh toán các đảng phái đối lập. Từ 1950, sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập thì chính quyền cộng sản đã bắt tay được với Trung cộng, Liên Xô. Cuộc kháng chiến chông ngoại xâm bắt đầu mang mầu sắc của cuộc chiến giữa hai phe. Được sự ủng hộ tận tình nhưng không hề vô tư của Trung Quốc, Liên Xô cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi. Nhưng cũng từ đây Việt Nam bắt đầu bị lệ thuộc vào ngoại bang để rồi phải chịu biết bao hệ lụy như đất nước bị chia cắt, hàng vạn người bị chết oan trong cải cách ruộng đất,..., cuộc chiến tranh Nam - Bắc làm chết hàng triệu người,...

Sau 30/4/1975, khi quyền uy đã tột đỉnh TBT Lê Duẩn không ngần ngại công khai: "ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc" nói đúng được phần nào tính chất của cuộc chiến 1954 - 1975 nhưng chưa đủ. Đây không phải là cuộc chiến chống xâm lược (vì Mỹ chỉ giúp VNCH tự vệ ngăn chặn "làn sóng đỏ" như trước đây đã từng tham dự vào chiến trường Triều Tiên) mà là cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt" do chính quyền cộng sản đơn phương phát động được sự cổ vũ giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước thuộc phe XHCN để thôn tính miền Nam hòng "nhuộm đỏ" cả nước. Là cuộc chiến mà "bên thắng cuộc" là các lãnh đạo cộng sản kẻ đã đạt được mục đích giành quyền lãnh đạo trên cả nước, là Trung cộng kẻ đã thừa cơ chiếm lấy Hoàng Sa thực hiện mưu đồ thôn tính biển Đông, khoác vào cổ dân tộc Việt Nam một tròng bắc thuộc mới. Còn "bên thua cuộc" là nhân dân những người lần đầu hoặc tiếp tục phải sống dưới một chế độ độc tài, toàn trị, tàn bạo hơn cả thời thực dân phong kiến. Và 40 năm sau thống nhất đất nước vẫn nghèo, tụt hậu, dân Việt đi tới đâu cũng bị coi thường. 

Trái ngược với những cuộc chiến luôn được nhắc tới và kỷ niệm rất trọng đại, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra vào đầu năm 1979 lại bị nhà nước cộng sản lãng quên. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược mà phía Trung Quốc đơn phương phát động. Trong vòng gần hai tháng quân xâm lược đã gây ra những tội ác hết sức man rợ với cái chết của hàng vạn dân thường và nhiều làng thành phố làng mạc các tỉnh biên giới phía Bắc bị phá hủy hoàn toàn. Sau 16/3/1979 thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố rút quân, xung đột ở biên giới Việt - Trung vẫn dai dẳng, kéo dài và quân Trung Quốc vẫn tiếp tục gây thêm những tội ác mới. Mặc dù là cuộc chiến chính nghĩa nhưng sau khi bình thường hóa quan hệ nhà nước cộng sản Việt Nam lại có hàng loạt các động thái hèn hạ không thể chấp nhận. Bia kỷ niệm chiến thắng ở đầu cầu Khánh Khê bị đục bỏ 4 chữ "Trung Quốc xâm lược". Lễ tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới phía Bắc ở vườn hoa Lý Thái Tổ Hà Nội bị ngăn cản công khai. các phương tiện truyền thông của nhà nước bị hạn chế đăng tải những sự kiện liên quan tới cuộc chiến này. 

Lý giải cho các hành động trên chắc chắn là không có gì khác ngoài việc nhà nước cộng sản buộc phải tuân theo một cam kết bí mật ở Thành Đô mà cũng vì nó: 

64 chiến sĩ hải quân Việt Nam phải chịu làm những tấm bia sống để lính Trung Quốc tha hồ bắn giết ở Gạc Ma. 

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa luôn bị công an giải tán nhanh hơn bất kỳ một vụ gây rối trật tự công cộng nào khác. 

Ngư dân Việt Nam bị quân đội bỏ mặc trên biển trước các hành động ngang ngược tàn bạo của hải quân Trung Quốc.

Từ tháng 5/2014 đến tháng 7/2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 đặt tại thềm lục địa của Việt Nam, nhưng trong suốt thời gian, tại vị trí đó không hề thấy bóng dáng của hải quân Việt Nam, không hề thấy người đứng đầu quân đội ho he lấy nửa lời về chủ quyền. Tệ hại hơn, gần đây ông Phùng Quang Thanh người đứng đầu quân đội còn công khai tỏ ra lo lắng khi thấy hiện tượng ghét Trung Quốc - kẻ thường xuyên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam - ngày càng nhiều. 

Không bảo vệ được ngư dân, không dám bảo vệ chủ quyền nhưng quân đội lại làm kinh tế rất giỏi. Viettel công ty viễn thông quân đội, các xí nghiệp quốc phòng, ngân hàng quân đội, các công ty của quân đội đều làm ăn có lãi. Những năm gần đây đã có hàng loạt các công ty, xí nghiệp bị phá sản vì làm ăn thua lỗ nợ nần, nhưng tuyệt nhiên không có các xí nghiệp, công ty của quân đội. Vietthel đã vươn tới làm ăn ở các châu lục xa xôi. 

Tuy lơ là trong bảo vệ chủ quyền nhưng quân đội lại rất sốt sắng trong chống diễn biến hòa bình, chống bạo loạn lật đổ, trấn áp nhân dân, vòi vĩnh cấp bậc. 

Đánh hơi thấy ở đâu đó nghi ngờ, phê phán vai trò, khả năng lãnh đạo của đảng, đòi dân chủ, đa nguyên, trung lập hóa quân đội là các "chiến sĩ cầm bút" thi nhau "múa gậy vườn hoang" trên "lề đảng". 

Nội dung diễn tập, học tập chính trị của quân đội chỉ chú trọng tới chống bạo đông, chống diễn biến hòa bình. 

Các bài huấn luyện cho lực lượng tự vệ thì hầu hết là đối phó với bạo động của quần chúng. 

Năm 2012 người dân ở Mường Nhé chỉ tụ tập cầu nguyện nhưng quân đội đã đưa hàng tiểu đoàn cùng trực thăng tới để kết hợp với công an "dẹp loạn". 

Cũng trong năm 2012 quân đội còn phối hợp với công an để phá tan hoang ngôi nhà cùng tài sản của hai anh em ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng chỉ vì họ đã chống lại lệnh cưỡng chế đất đai (sai luật). 

Hiện là thời bình quân đội đã có tới gần 400 tướng và vẫn tiếp tục "tâm tư" để được phong thêm nhiều tướng nữa.

Hẳn là bây giờ nếu có tiếp tục cuộc tranh luận dang dở hồi xưa, anh bạn tôi đã có thêm rất nhiều các dẫn chứng về các vụ tiêu cực khủng trong quân đội và tôi chỉ còn biết ngọng miệng. 

Sau đại hội 11, thực trạng bi đát của đất nước cộng với sự suy thoái trầm trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã khiến cho niềm tin của dân vào đảng sụt giảm tới mức báo đông. Để đối phó, đảng đã tiến hành chỉnh đốn và sửa đổi hiến pháp. Chỉnh đốn đảng đã thất bại vì sau khi chỉnh đốn "sâu chúa cùng bầy sâu" vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng sửa đổi hiến pháp thì thành công vì đã có hiến pháp mới vào năm 2013. Khác với hiến pháp 1992 hiến pháp mới đưa thêm quy định quân đội phải trung thành với đảng vào điều 65 chương "bảo vệ tổ quốc" bắt buộc quân đội vừa phải trung thành với tổ quốc, nhân dân vừa phải trung thành với đảng. Như vậy nếu xảy ra trường hợp đảng phản bội, đối nghịch với tổ quốc, nhân dân mà trường hợp này thường thấy ở các chế độ độc tài, độc đảng thì quân đội không thể trung thành với cả hai. Quân đội chọn tổ quốc, nhân dân là hợp lẽ cũng như việc truất bỏ các triều đại thối nát thời phong kiến xa xưa. Còn trung thành với đảng để chống nhân dân thì đích thị là quân hại nhân dân.

1/ 2015


© Copyright 2019 BackUp Dân Làm Báo, All rights reserved

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.