Có phải côn đồ đập phá tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ở Tây Ninh?
Các nghệ nhân đang đấp vá lại tượng Đức Hộ Pháp Pham Công Tắc ở Tòa Thánh Tây Ninh.
Hình do Ban đại diện cung cấp
Thanh Trúc (RFA) - Tín đồ Cao Đài trong nước đang xôn xao trước tin tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trong Tòa Thánh Tây Ninh bị hai người lạ mặt dùng dao chém vỡ một mảng trên mặt.
Sự kiện tương Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc trong Tòa Thánh Tây Ninh, mà hôm hôm 27 tháng trước bị hai thanh niên dùng dao chém, được Ban Đại Diện Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài thông báo trong bản tường trình số 06/31 tháng Tám 2015 vừa qua.
Một trong những người ký tên vào bản tường trình, nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng thuộc Châu Đạo Vĩnh Long, cũng là thành viên trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, cho đài Á Châu Tự Do biết:
“Sáng ngày 27 tháng Tám 2015, tại Hộ Pháp Đường nội ô Tòa Thánh Tây Ninh có 2 người đi trên một chiếc xe Honda đến đậu trước cửa Hộ Pháp Đường. Họ ngang nhiên và tự tiện mang giày đi vào. Đồng đạo thấy vật bèn yêu cầu họ cởi giày để bên ngoài thì họ không thực hiện mà còn rút dao ra để hăm dọa.
Sau đó họ đi thẳng lên lầu, nơi có tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, một người dùng búa đập lên trán của pho tượng Đức Hộ Pháp còn một người thì quay phim chụp hình. Khi đập xong thì họ nhanh nhẹn thót lên xe chạy mất.”
Với câu hỏi bà nghĩ hai người này là thành phần nào, nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng cho rằng họ là côn đồ:
“Tại sao tôi gọi những người này là côn đồ? Vì nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn sử dụng những thành phần bất hảo này để đánh đập những người đạo trung kiên, đấu tranh để bảo vệ tôn giáo của họ. Không riêng gì Cao Đài mà cả Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo cũng vậy.
Phía Công Giáo thì họ đập tượng Đức Mẹ Maria, đập cây thánh giá ở Đồng Chiên. Đối với đạo Hòa Hảo thì họ dùng tác phẩm Dòng Sông Thơ Ấu để lăng mạ Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đối với đạo Tin Lành thì họ đập phá nhà thờ và đáng đập các mục sư. Nay thì họ tiếp tục đập phá tượng Đức Hộ Pháp nơi Tòa Thánh Tây Ninh.
Trước đây, năm 1978 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng đã kết tội Đức Hộ Pháp là phản quốc, hại dân, chống phá cách mạng. Việc họ đập tượng Đức Hộ Pháp, đấng giáo chủ khai sáng nền đạo, tức là đập phá đức tin của người tín đồ Cao Đài.”
Bửu tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Giáo Chủ hữu hình Đạo Cao Đài lúc chưa bị đập phá.
Cần nhắc năm 1979 nhà cầm quyền Việt Nam tạo áp lực để tiếp quản Tòa Thánh Tây Ninh, kế đó cho thành lập Hội Đồng Chưởng Quản rồi giao quyền điều hành cho một chức sắc trong đạo là ông Nguyễn Thành Tám.
Vì chuyện này mà một số chức sắc và tín đồ tách ra để sinh hoạt và thờ phương trong Cao Đài Chơn Truyền không nằm dưới quyền kiểm soát của Hội Đồng Chưởng Quản và nhà nước Việt Nam. Và đó cũng là lý do khiến một số thánh thất địa phương của Cao Đài Chơn Truyền thỉnh thoảng lại bị cấm hoạt động và vì không theo Hội Đồng Chưởng Quản ở Tòa Thánh tây Ninh.
Trên đường dây viễn liên gọi về Tòa Thánh Tây Ninh, ông Côn, một chức sắc cao cấp trong Hội Đồng Chưởng Quản, xác nhận với đài Á Châu Tự Do là có xảy ra chuyện tượng Đức Hộ Pháp bị đập phá:
“Đúng, có như vậy. Lúc 10 giờ sáng mấy vị đi chưng bông để chuẩn bị ngày lễ thì có 2 thanh niên nương theo mấy người đi chưng bông đó lên trên tầng lầu, chỗ có pho tượng Đức Hộ Pháp đang ban phép lành, thì nó lấy búa nó đánh trên phía trán bên trái. Vì tượng bằng thạch cao thành nó rả thạch cao ở phần đầu xuống. Mấy người chưng bông người ta mới hô hoán lên thì nó bỏ nó chạy ra ngoài cửa, lên xe cùng với đồng bọn chạy mất. Tôi không có mặt nhưng nghe báo tin thì tôi tới và chính tôi là người đứng ra điều động anh em thợ để mà đắp lại, sửa chữa lại. Chỉ trong mấy tiếng là xong vì trên thực tế cũng chẳng hư hao gì nhiều. Nhiều người lên đó họ đứng họ khóc nhưng mà biết làm sao... tôn giáo mà...”
Không từ bỏ hành động bạo lực
Về câu hỏi ông nghĩ những người đập phá có phải là côn đồ hay không, tại sao họ dám hành xử mạnh bạo và ngang nhiên tại nơi tôn nghiêm như vậy, ông Côn thuộc Hội Đồng Chưởng Quản trả lời:
“Nếu là tín đồ Cao Đài, dù cho là những phe chống báng đi nữa, không đồng thuận với Hội Đồng Chưởng Quản giờ là “Hội Thánh Nguyễn Thành Tám” đi nữa, thì cũng không ai dám làm vậy. Tôi nghĩ có lẽ bọn này bị kích bác bởi người nào đó, có lẽ là để kiếm một vài ba liều ma túy thôi nên mới dám làm chuyện đó chứ người bình thường không ai dám làm vậy.”
Đó là giải thích của một chức sắc trong Hội Đồng Chưởng Quản do nhà nước lập ra ở Tòa Thánh Tây Ninh kiểm soát. Về phản ứng từ các hàng chức sắc và tín đồ Cao Đài khắp nơi sau khi tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ở Tòa Thánh Tây Ninh bị xâm phạm, ông Chánh Trị Sự Hứa Phi, Trưởng Ban Đại Diện Khối Nhơn Sanh, đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam:
Các nghệ nhân đang đấp vá lại tượng Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ở Tòa Thánh Tây Ninh.
“Chúng tôi rất bức xúc chuyện Hội Đồng Chưởng Quản đã chiếm giữ toàn bộ Tòa Thánh Tây Ninh theo sự bảo hộ của nhà cầm quyền, nhưng khi tượng bị đập phá thì người ta không lên tiếng, không cho dư luận và truyền thông bên ngoài biết.
Người ta đã xúc phạm đến tín ngưỡng của trên 5 triệu tín đồ Cao Đài cho nên đồng đạo rất bức xúc, chúng tôi sẽ làm rõ công việc này. Chúng tôi sẽ kêu gọi đồng đạo về ngay Tòa Thánh Tây Ninh với mục đích cầu nguyện, biểu lộ tấm lòng tôn kính đối với Đức Hộ Pháp, tranh đấu một cách ôn hòa và rất quang minh chính đại.
Chương trình đã ấn định rồi, chúng tôi cũng nói rõ đúng 9 giờ ngày 7 tháng Chín năm 2015, nhằm ngày 25 tháng Bảy Âm Lịch, là một cuộc bày tỏ chính kiến bất bạo động, thể hiện niềm tin tôn giáo, chúng tôi không có bạo động.”
Được biết bản tường trình số 06/31-08-2015 liên quan đến việc côn đồ đập phá tượng Đức Hộ Pháp Pham Công Tắc, giáo chủ đạo Cao Đài, tại Tòa Thánh Tây Ninh, được gởi đến báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Heiner Bielefelt, đến lập pháp Hoa Kỳ, EU cùng các tổ chức nhân quyền và tự do tôn giáo quốc tế khác.
Nội dung bản tường trình cho thấy chuyện đập phá tượng Đức Hộ Pháp xảy ra trong thời điểm có phái đoàn Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Mỹ USCIRF đến viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh, chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam không từ bỏ hành động bạo lực và đã xâm phạm trầm trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân trong nước.
Thanh Trúc