Bài Mới

baimoi
qc

Thấy lãnh đạo Miên ngán ngẩm cho lãnh đạo Việt Nam

< A >
Le Nguyen (Danlambao) - Sau hơn 10 năm xứ Chùa Tháp bị cộng sản Việt Nam chiếm đóng. Vương Quốc Campuchia, một nước láng giềng non trẻ nằm cận kề Việt Nam được tái lập, từ cuộc bầu cử tự do vào tháng 05/1993 do Liên Hiệp Quốc tổ chức, giám sát. Từ đó, Vương quốc Campuchia trên danh nghĩa là một nhà nước có thiết chế dân chủ với tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, báo chí tự do... nhưng thực chất đất nước Campuchia vẫn nằm dưới sự cai trị độc tài của Miên Cộng do Hun Sen lãnh đạo và chịu sự lệ thuộc, chi phối mọi mặt của đảng cộng sản Việt Nam.

Hun Sen, thủ tướng Campuchia - một chính khách nổi bật đầy quyền lực nhiều tăm tiếng lẫn tai tiếng trên chính trường Campuchia hiện nay, là lãnh đạo cao cấp của Miên Cộng, chạy thoát khỏi sự cuồng sát của Khmer đỏ, được tái rèn luyện, bồi dưỡng tư tưởng cộng sản ở Việt Nam và được đưa trở lại cố quốc lãnh đạo cộng sản Miên với “vỏ bọc” đảng Nhân Dân Campuchia, thực hiện sứ mạng cộng sản cho đảng cộng sản Việt Nam trên xứ Chùa Tháp. 

Tạm thời không nhắc đến quyền lực, chức vụ của Hun Sen trong chính phủ bù nhìn của nước Cộng Hòa Nhân Dân Campuchia. Chỉ kể từ năm 1993, lúc Hun Sen cầm quyền với chức danh đệ nhị thủ tướng chính phủ của Vương Quốc Campuchia, dù không phải là lãnh đạo tối cao của Vương Quốc Campuchia nhưng quyền lực phủ trùm lên cả nước Campuchia vì sau lưng Hun Sen có lực lượng đặc nhiệm Việt Nam, có mạng lưới an ninh, có công an quân đội, có hệ thống chính quyền bù nhìn của thời cộng sản Việt Nam chiếm đóng còn giữ “nguyên hiện trạng”.

Giai đoạn này, Hun Sen thể hiện quyền lực đúng với bản chất của một tên độc tài cộng sản, hắn sẵn sàng sử dụng sức mạnh công an, quân đội trấn áp, thủ tiêu mọi mầm móng chống đối và tiêu diệt bất cứ ai đe dọa, thách thức quyền lực tuyệt đối bằng nòng súng, bằng nhiều thủ đoạn, kể cả gian lận trong bầu cử để đoạt lấy, nắm giữ chức vụ thủ tướng chính phủ và Hun Sen đã giữ chức vụ cao cấp trong Vương Quốc Campuchia liên tục 4 nhiệm kỳ. 

Ngày nay sau hơn 20 năm nhìn lại tư duy chính trị lẫn con người của Hun Sen đã có nhiều biến chuyển tích cực về tầm nhìn lẫn bản lãnh lãnh đạo chính trị của Hun Sen trên xứ Chùa Tháp. Xem xét sự nghiệp chính trị của Hun Sen, không khó để nhận ra hắn ta là một tín đồ cộng sản cuồng tín với tư duy độc tài khát máu phi nhân tín của cộng sản vốn có, đã dần dần thay đổi tư duy tự diễn biến, tự chuyển hóa tích cực, rời xa lý tưởng quốc tế cộng sản, vất bỏ Mác- Lê, cờ đỏ búa liềm trở về với tinh thần dân tộc cội nguồn Khmer. 

Quá khứ Hun Sen là một tên độc tài bóp nghẹt tự do, thủ tiêu đối lập chính trị khét tiếng nhưng đã từng bước mở rộng không gian cho đối lập bước vào vũ đài chính trị Campuchia và âm thầm tháo gỡ xiềng xích cho người dân Khmer được quyền mở miệng và thổi nhẹ làn gió quyền con người, quyền dân sự, quyền chính trị vào trong thực tiễn đời sống người dân Campuchia.

Thành quả Campuchia đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp... còn nhiều giới hạn nhưng so với Việt Nam xã nghĩa đã tốt hơn, đã tiến một bước khá dài. Cụ thể như đối lập Campuchia nói khác tiếng nói với nhà nước không ai bị ném mắm tôm, không bị đổ dầu nhớt vào nhà, không bị đổ keo vào ổ khóa, không bị quần chúng tự phát chặn xe hành hung thô bạo, không có cảnh người dân vào đồn công an tự tử và nhất là các cá nhân, các đảng viên của đảng đối lập với đảng cầm quyền không ai bị vu khống lợi dụng quyền tự do, dân chủ nói xấu lãnh đạo, tuyên truyền chống phá, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân với hai bao cao su đã qua sử dụng!

Nói đến một số thành quả có thật của Campuchia, không phải bịa chuyện nói tốt Campuchia để bôi nhọ, hạ thấp “uy tín” Việt Nam xã nghĩa vì Việt Nam với Campuchia có cùng chung biên giới và không nhiều rào cản luật pháp cho công dân Việt-Cam qua lại biên giới. Chỉ cần có một số tiền khiêm nhường, người dân lẫn quan chức Việt Nam, những ai không đủ điều kiện du lịch các nước dân chủ tiên tiến giàu mạnh, đều có thể sang du lịch, thăm viếng tiếp cận mắt thấy tai nghe, thực tế đời sống, lối sống của người dân, xã hội Campuchia để có cơ sở so sánh với người dân Việt Nam thời xã nghĩa. 

Đi tìm hiểu, nghe thấy để biết Vương Quốc Campuchia, một nước không kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê, không bị đảng cộng sản lãnh đạo tiến lên chủ nghĩa xã hội, không chống đa nguyên đa đảng và chỉ với một phần ba thời gian xây dựng, phát triển đất nước từ con số không - không hoàn toàn độc lập, không tài nguyên con người, vật chất... Tất cả đã bị nhấn chìm trong bão lửa chiến tranh, dưới bàn tay khát máu của loài quỷ đỏ Miên Cộng và Việt Cộng.

Thế mà Vương Quốc Campuchia sau khi tái lập hòa bình, xây dựng phát triển đất nước dưới thể chế Quân Chủ Đại Nghị đã đạt được nhiều thành tựu hơn hẳn Việt Nam xã nghĩa. Ngày nay mọi người dân cũng như quan chức Việt Nam nếu muốn tìm hiểu sự thật của Vương Quốc Campuchia, ai cũng có thể đi đến xứ Chùa Tháp trải nghiệm thực tế để biết tốt xấu, không cần phải nghe kể lại nhằm tránh bị “thế lực thù địch” tuyên truyền tốt cho Campuchia, bôi nhọ nói xấu làm mất uy tính lãnh đạo đảng, chính phủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Bài viết này không bàn đến thành tựu của Vương Quốc Campuchia, chủ yếu là bàn đến sự biến chuyển tư duy của nhân vật trung tâm, kẻ nắm giữ quyền lực chính trường Vương Quốc Campuchia từ lúc khai sinh cho đến ngày nay. Nhân vật quyền lực đó chính là Hun Sen, một tên đỏ từ đầu tới đít, đỏ không thua kém bất cứ lãnh đạo nào của cộng sản Việt Nam nhưng sau hơn hai mươi năm lăn lộn trên vũ đài chính trị dân chủ đa đảng Campuchia. Hun Sen từ một tín đồ đấu tranh vì quyền lợi của quốc tế cộng sản, đã mở mắt thức tỉnh biết quay về đấu tranh cho quyền lợi của đất nước, dân tộc Campuchia.

Nhìn chung tư duy của Hun Sen sau hơn hai mươi năm tham chính đã có nhiều thay đổi từ đối nội đến đối ngoại, từ một tên cộng sản hoạt động vì lý tưởng cộng sản, vì quyền lợi của cộng sản quốc tế đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác –Lê, quay lưng với chủ nghĩa xã hội, trở về với tinh thần dân tộc khmer, biết đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc Khmer trên quyền lợi của đảng Nhân Dân Campuchia. 

Cụ thể của việc đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết của Hun Sen là sự cứng rắn, tạo sự đồng thuận của các đảng phái và của người dân Campuchia trong việc tranh chấp chủ quyền ngôi đền Preah Vihear với Thailand. Trong tranh chấp chủ quyền quân đội Campuchia đã nả súng vào quân đội Thailand để xác định chủ quyền quốc gia, dù sức mạnh quân sự của Campuchia không thể sánh với Thailand. Nhưng Campuchia biết, họ có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý chủ quyền không thể tranh cãi nên đã giành lại được chủ quyền ngôi đền Preah Vihear về lại cho Campuchia bằng con đường hòa bình với phán quyết của tòa án công lý quốc tế vào ngày 11/11/ 2013. 

Ngoài ra, Hun Sen còn thể hiện việc đặt sự độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi đảng Nhân Dân Campuchia qua chính sách đối ngoại khôn ngoan đầy bản lãnh của người lãnh đạo quốc gia Campuchia. Cụ thể là trong chính sách ngoại giao, Hun Sen không đặt sự quan hệ trên nền tảng ý thức hệ, không quan trọng vấn đề quốc gia đó cùng thể chế hay không mà tính toán xem quốc gia đó mang đến lợi ích gì cho quốc gia, dân tộc mình và quan hệ ngoại giao của Campuchia với Trung Cộng là nằm trong ý đồ đó.

Quan hệ của Campuchia với Trung Quốc là mối quan hệ hai bên cùng có lợi chứ không phải quan hệ là để Campuchia Kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, chống đa nguyên đa đảng. Trong mối quan hệ này, Trung Cộng thì muốn sử dụng Campuchia bao vây quấy rối tạo áp lực để Việt Nam không thể thoát khỏi vòng lệ thuộc Trung Cộng và để chúng thực hiện tham vọng bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Campuchia thì tương kế tựu kế mượn hình ảnh, sức mạnh Trung Cộng để giải quyết vấn đề biên giới Việt – Cam do lịch sử bang giao của hai đảng Miên Cộng - Việt Cộng để lại có nhiều thiệt thòi cho Campuchia. 

Trong những năm chiếm đóng xứ Chùa Tháp, lãnh đạo đảng Miên Cộng dưới danh xưng đảng Nhân Dân Campuchia, là chi bộ của đảng cộng sản Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước bí mật bất lợi cho Campuchia và Hun Sen người giữ chìa khóa bí mật cũng như có phần trách nhiệm trong đó. Thời gian qua chính trường Campuchia sôi động, đối lập Campuchia đã thổi lửa vào “điểm nóng” biên giới và Hun Sen đã tuyên bố với truyền thông quốc gia, quốc tế rất khôn ngoan, thể hiện bản lãnh của một lãnh đạo có tâm có tầm, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc Khmer:

“ ...Sẽ đưa chính quyền Hà nội ra tòa công lý quốc tế cũng như ra hội đồng bảo an nếu Việt Nam vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia...Nếu tấm bản đồ của đảng Cứu Nguy Dân Tộc (CNRP) đang giữ có độ chính xác cao, chính phủ sẽ sẵn sàng sử dụng tấm bản đồ đó...”

Qua nội dung tuyên bố trên các phương tiện truyền thông quốc gia lẫn quốc tế, không khó để thấy Hun Sen đã khéo léo quốc tế hóa vấn đề biên giới Việt – Cam thật ngoạn mục. Hun Sen cũng đã đường đường, chính chính phủi tay, xé bỏ, phủ nhận mọi trách nhiệm về các hiệp ước bất bình đẳng của hai đảng, hai nhà nước Việt –Cam ký kết trong thời gian Việt Nam chiếm đóng Campuchia. Hun Sen không thể chối là ông ta không có dính dáng vào việc ký kết các hiệp ước bí mật nhưng cộng sản Việt Nam làm gì được Hun Sen, vì nguyên chính phủ bù nhìn “Cộng Hòa Nhân Dân Campuchia” do Việt Nam dựng lên, có Hun Sen là thành viên lãnh đạo đã bị xóa sổ rồi!

Nhìn chung phương cách ngoại giao vừa cứng rắn, vừa đối thoại mềm dẻo hòa bình của Hun Sen đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Kết quả của Hun Sen làm cho Vương Quốc Campuchia, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam dù có nằm mơ cũng khó mà đạt được. Từ đó có một số câu hỏi đặt ra:

- Tại sao tên độc tài cộng sản Hun Sen sau hơn hai mươi năm lãnh đạo xứ Chùa Tháp làm được nhiều việc cho đất nước, dân tộc Khmer mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam không làm được cho đất nước, dân tộc Việt Nam được như Hun Sen?

- Tại Sao Hun Sen cùng nguồn gốc cộng sản xấu ác, chỉ biết đấu tranh vì lợi ích của đảng, của quốc tế cộng sản như các lãnh đạo cộng sản Việt Nam mà càng về lâu về dài Hun Sen tránh xa được chủ nghĩa Mác-Lê, chủ nghĩa xã hội và biết thay đổi tư duy đấu tranh cho mục tiêu, cho lợi ích của dân tộc, đất nước Campuchia?

- Tại sao Hun Sen ngày càng trưởng thành trong tư duy, nhân thức để trở nên con người tốt hơn có ích hơn cho đất nước, dân tộc Campuchia và lý do gì các lãnh đạo của cộng sản Việt Nam thì lại diễn biến tư tưởng theo chiều ngược lại đáng xấu hổ cho đất nước, dân tộc Việt Nam?

Qua những vụ việc cụ thể, ai cũng hiểu thành tựu của Hun Sen đạt được đơn giản là Hun Sen không bị đảng lãnh đạo, không bị vòng kim cô Mác- Lê siết trên đầu, không sợ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, không cầm giấy đọc từng chữ cho đúng chủ trương đường lối ở trên giao và cá nhân Hun Sen ngày càng tiến bộ, văn minh do môi trường sinh hoạt chính trị dân chủ, đa nguyên đa đảng của cơ chế dân chủ pháp trị, tam quyền phân lập ràng buộc, tự kiểm soát, tự điều hòa. Thế cho nên những chính trị gia như Hun Sen trong chính trường đa đảng, tam quyền phân lập, tự do ngôn luận... muốn gian cũng khó, muốn xấu cũng không hề dễ và dù có muộn màng nhưng vẫn biết điều hay lẽ phải để thức tỉnh trở về với nguồn gốc dân tộc. 

Từ thực tiễn đời sống chính trị trong cơ chế tổ chức chính thể dân chủ, đa nguyên đa đảng cho chúng ta thấy là môi trường này có thể rèn luyện, sửa đổi người xấu trở nên tốt và chính thể độc tài, độc đảng thì lại làm cho con người tha hóa, biến đổi người tốt trở nên xấu mà lãnh dạo các đời cộng sản Việt Nam là một sự thật sống động điển hình. Điểm khác nữa là động cơ thúc đẩy cho Hun Sen từ người có xuất thân xấu trở nên tốt, là biết sẽ có ngày phải bước xuống vũ đài chính trị, không còn súng trong tay để bảo vệ bản thân cùng giòng họ của ông ta nữa và ngay từ bây giờ nếu ông ta không tự biết làm tốt, gây ra tội ác thì nhà tù sẽ rộng cửa chờ ông ta trả giá cho tội lỗi, sau khi rời khỏi quyền lực của cơ chế dân chủ pháp trị. 

5/9/2015

© Copyright 2019 BackUp Dân Làm Báo, All rights reserved

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.