Những chuyện ly kỳ xứ “Thần Tiên”
David Thiên Ngọc (Danlambao) - Hôm nay trong lúc lu bu sửa soạn, chuẩn bị cho chuyến vacation một tuần lễ. Bỗng điện thoại réo liên hồi… bực bội vì đang bộn bề công việc cho chuyến đi mà thời gian thì không có nhiều. Tuy vậy vẫn ghé mắt vào chiếc phone xem cuộc gọi của ai, từ đâu? Nhìn thấy số phone trong lòng cảm thấy nhẹ đi, cơn bực bội tan biến, tay vội bật máy nghe.
-A lô em gái! Ai, việc gì xui em gọi cho anh vậy? -bởi hàng 4, 5 tháng trời nếu không có việc gì quan trọng thì chả bao giờ cô em bỏ ra năm ba phút để gọi cho tôi. Ngược lại trong những dịp họa hoằn lắm mới được gặp thăm nhau, thời gian không có để hàn huyên mà cô em cứ mãi ôm điện thoại hết nói lại cười rồi im lặng nghe, mắt nhìn xa xăm… như không có tôi ở đó.
Cô em này với tôi là chỗ cousin, nay đã hơn 20 tuổi. Cô sinh ra và lớn lên tại Mỹ và cũng chưa lần nào được về thăm quê Cha đất Tổ. Mặc dù bà con cô dì chú bác nội ngoại còn ở quê nhà rất đông. Gia đình chú tôi được cái dạy dỗ con cái rất nề nếp. Sống ở xứ lạ quê người các em tôi hằng ngày sinh hoạt ở trường lớp, thư viện, bạn bè hay ở bất cứ nơi đâu với nét văn hóa, phong tục nơi này nhưng khi về nhà, nhất là trong những bữa ăn cùng các sinh hoạt khác trong gia đình thì hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ và văn hóa thuần Việt với ý nghĩ sợ con cháu sau này mất gốc, quên đi cội nguồn…Do đó nếu một ai là người Việt lần đầu tiếp xúc với các em tôi đều không nghĩ rằng chúng được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ.
Vừa rồi được tin bà cụ (mẹ của thím tôi, là bà ngoại của cô em) mới mãn phần. Do đó gia đình chú tôi sắp xếp cho thím cùng cô em về VN thọ tang cụ. Lần đầu về quê hương cô em rất hồi hộp… phần là thọ tang bà ngoại phần được thăm quê Cha đất Tổ và cũng có dịp để cô tận mục sở thị cái đất nước anh hùng mà đâu đó cô đọc được và ngầm hãnh diện rằng đó là “Thiên Đường Xã Nghĩa” thế mà không hiểu sao cha mẹ cô và cộng đồng người Việt khắp nơi lại chịu cảnh ly hương???
A lô anh! Em đang ở VN, không biết có phải là thiên đường hay không mà tất cả mọi việc nơi đây đều khác bên mình (bên Mỹ). Bây giờ VN là buổi tối-bên anh là buổi sáng-sau nhiều ngày tiếp xúc với nhiều điều lạ, vui buồn mệt nhọc và nhất là những việc thật ngỡ ngàng không tưởng… Sau buổi cơm chiều, mọi việc cá nhân xong bây giờ tâm sự với anh đây.
Cô em thì ôi thôi huyên thuyên dắt tôi đi hết chỗ này đến chỗ khác, hết việc nọ đến việc kia và còn đòi tôi giải thích những điều cô ngạc nhiên và xem là quá lạ. Tóm tắt một vài chuyện như sau:
Hôm nọ cô và một người chị họ ở VN đi chuyến xe từ Sài Gòn lên Dalat. Nhà của chị họ ở Dalat nên đưa cô lên thăm chơi và du lịch cho biết Tp sương mù với ngàn hoa… Xe vừa đỗ xuống bến thì có một đám đông người hầu như toàn là đàn ông bu quanh chiếc xe khách giống như người nhà đi đón thân nhân. Nhưng đây không phải, một anh thanh niên chỉ thẳng vào cô nói “con bé đó của tao” rồi người khác thì nói “bà phía trước mặc áo đỏ là của tao”, bà mang cái bầu (mang thai) là của tui, rồi ông mang túi xách là của tớ v.v… tất cả hành khách trên xe ai cũng có phần cả. Cô em nói lạ một điều là người thanh niên đó với cô chưa hề quen mà sao anh ta khẳng định cô là của anh ấy??? nhưng sau đó cô được người chị giải thích đó là đám “xe ôm”!- Xe ôm! Cũng là cái lạ, sao lại xe ôm? Mà phải ôm sao? Được giải thích một lúc cô mới hiểu ra- À ra là thế! Sau đó chị họ dắt cô đi ra ngoài và bấm bấm tay ra hiệu, cô không hiểu gì cả và cứ đi theo. Chị họ nói đừng đi xe tụi này rắc rối lắm, ra ngoài gọi taxi. Thế là có sự mặc cả giữa tay xe ôm và anh lái taxi rồi anh taxi đưa cho hắn một tờ giấy bạc và hai chúng tôi lên xe về nhà. Đó là một việc cô thấy được khi lần đầu tiên tiếp xúc với thiên đường… cô lẩm bẩm và cười thầm “con bé đó là của tao!” hihi…
Tại thủ đô thiên đường xã nghĩa. Cô em kể cô rong ruổi mọi nơi… hết Hàng Ngang ra Hàng Bạc lại Hàng Đào rồi vòng ra Hồ Gươm. Trưa đó cô ghé vào một công viên dừng chân nghỉ mát. Cô thấy một đám người đông hình như là dân tộc miền núi, ăn nằm la liệt, nhếch nhát rất là khổ cực nơi công viên giống như những người homeless thật tội nghiệp. Động lòng trắc ẩn, cảm thương đồng loại và thấy đau nhói trong lòng trước sự bất hạnh, kém may mắn của những người khốn khổ kia. Thế là trái tim sai bảo đôi chân cô đi mua một số thực phẩm, nhu yếu dùng ngay và mang đến ủy lạo, an ủi đồng thời gởi tặng cho họ một ít tiền nhỏ nhoi…. công việc đang tiến hành dở dang thì bỗng cô nghe vai cô bị vỗ nhẹ. Quay mặt lại thì thấy có 2, 3 anh thanh niên ăn mặc sắc phục giống như Police vậy và một trong các anh ấy nói “Mời cô về phường làm việc!” - Ối! em đâu có làm việc gì ở đây! Nơi đây đâu có job của em!- Cô cứ về phường làm việc, cô đi theo chúng tôi. Nhìn chung quanh những người homeless trên gương mặt, ánh mắt họ hiện rõ sự sợ hãi và có ý lo ngại cho cô. Cô đành bước theo các anh ấy một cách ngoan ngoãn như một con cừu lạc vào rừng sói và phải đi về bên “lề phải”. Đến nơi cô biết đây là đồn cảnh sát. Sau các thủ tục xét hỏi ID và Passport, biết cô là người nước ngoài và được giải thích rằng cô không được làm những việc vừa qua! Nghĩa là những việc từ thiện, việc giúp người khốn khổ, kém may mắn nơi xứ sở này là không được phép và nhất là ở nơi đây là Thủ Đô. Đồng thời cô được cho biết thêm rằng những người homeless đó là “thế lực thù địch”. Cô kể lúc đó cô không hiểu gì, chắc có lẽ những kẻ đó là giặc ngoại xâm? Cô nghĩ thế và mơ hồ rằng những người miền núi kia là thế lực thù địch là giặc từ bên kia biên giới phía Bắc nước ta, là giặc Tàu Bắc phương tràn qua xâm lược nên bị Police VN bắt, đánh đập, ngược đãi, cô lập cho phơi nắng dầm sương, màn trời chiếu đất, ngăn cản mọi người không cho cứu giúp cho dù là một gói mì hay đồng bạc lẻ cho đáng cái tội bành trướng xâm lăng. Ra khỏi đồn côn an cô còn nghe chính quyền thủ đô rất ưu ái người dân và còn cho xe xúc đất xúc cả dân thường, phụ nữ cụ già đưa đi du lịch đâu đó và tối cho về nhà đá, một loại khách sạn đặc biệt của côn an để chăm sóc cho người dân trong thời gian dài lạnh lùng thiếu đói. Nghe nói đây là người dân ở Dương Nội, thuộc Hà Đông, thủ đô. Ở đoạn này cô kể tiếp là cô liên tưởng đến hôm tuần trước, khi cô đi thăm bệnh viện ung bứu Sài Gòn. Cám cảnh đau thương của người bệnh lẫn thân nhân nuôi bệnh la liệt từ gầm giường ra đến hành lang, xuống hóc cầu thang thật thê thảm… nhiều người thiếu thốn đói khát không bút giấy nào tả xiết… một chai nước sạch cũng quý hiếm chứ đừng nói chi đến chén cơm, tô cháo! Thế là cô em ra ngoài mua cả một xe đẩy nào nhu yếu phẩm, nước uống, cháo gói, mì gói ăn liền… đẩy vào phân phát cho những người bịnh nghèo khổ thiếu hụt, neo đơn khốn đốn nơi đây. Nhưng than ôi, ngay tức khắc tại cổng vào BV cô em bị các anh mang băng đỏ trên tay áo ngăn cản lại và cho biết rằng cô không được phép làm như thế vì chưa có lệnh… mà cái lệnh nơi đây hãy đợi đấy cho hết mùa thu!!! Thế là xe hàng của cô em đành quay về bến cũ. Và những người đáng ra được nhận nó đành nhìn theo với ánh mắt thật u buồn. Ra bên ngoài cô được mách bảo rằng cô làm như thế có bao giờ được vì cái căn-tin bên trong BV là của gia đình ông giám đốc BV cho nên cái việc từ thiện của cô có bao giờ được lệnh, được phép??? Cô chép miệng nhìn trời nói “Lạ thật! đúng là xứ sở thiên đường, làm từ thiện, giúp người bệnh tật khó khăn mà cũng phải được phép và phải được lệnh từ cấp trên”. Nơi đây cô còn nghe rằng bà bộ trưởng y-tế xã nghĩa là cốt con hồ ly thoát ra từ “Liêu trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh bên Sở bên Tề… nào đó nên đám thủ hạ của cáo hồ mới có cách hành xử “nhân đạo” với người dân như thê! Sau đó cô phải thương lượng với cửa hàng đã mua để trả lại và chịu mất một phần tiền. Nghĩ lại bên Mỹ sau khi mua hàng mà Return rất dễ dàng như khi mua mà không mất một xu nào và còn nhận được lời chúc Have a nice day!
Ở tại Thủ Đô Hà Nội cô tận mắt chứng kiến không biết bao niêu là việc trái ngược với trần gian mà cả đời cô không thể nào quên… nhưng kể ra đây thì không bút mực nào cho xiết! chỉ đơn cử một vài việc mà thôi.
Quay về miền Trung nghèo khó quanh năm nắng gió, đông thời thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Nơi đây là quê nội của cô mà cũng là của tôi - Thành phố Quy Nhơn - Bình Định. Nhà ông Bác họ ở cạnh tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Hôm nay cô tò mò mon men qua quang lãm “Tòa Án Nhân Dân” cho biết và xem có gì lạ vì trước nay cô thường nghe các vị thẩm phán đỉnh cao trí tuệ xứ thần tiên xử “án bỏ túi” là như thế nào cô không được rõ lắm. Thoạt đầu cô trố mắt nhìn vào tấm bảng ghi lịch xử án thấy dòng “Hôm nay ngày 25/11/2013 xử vụ “làm nhục người khác”* thế là cô chen vào bên trong phòng xử công khai. Tuy nhiên sau khi hội đồng xét xử làm các thủ tục ban đầu rồi tuyên bố phiên tòa được hoãn vì lý do người bị hại và một số nhân chứng vắng mặt. Qua tìm hiểu thì người bị hại chính là ông Trương quốc Dũng “chánh án” tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn. Bị cáo là bà Nguyễn thị Xuân Đào với hành vi “Trùm quần đàn bà lên đầu chánh án” tức ông Trương quốc Dũng nói trên. Ô hô!!! Trên trời dưới đất, địa ngục thiên đàng, tự cổ chí kim nay mới có ở xứ thần tiên thiên đường xã nghĩa này một “Kỳ Án” vô tiền khoáng hậu. Một người đàn bà thấp cổ bé miệng chắc phải có nỗi oan khuất gì đó ghê gớm lắm mà không nói được nên lời… mà vị chánh án kia là một trong những tên đã gây ra nông nỗi…nên “chiếc quần đàn bà màu đen” phải trùm lên đầu một vị quan gọi là cầm cân nẩy mực ngay tại công đường. Nghe cô kể đến đây tôi lại nhớ đến hình ảnh những chiếc bao cao su được chụp lên đầu 14 con cáo Ba Đình trong vụ án Ls Cù huy hà Vũ đã truyền tải rộng rãi khắp hành tinh. Trong lời kể thao thao cô vừa nuốt nước bọt vừa cười khúc khích…không biết ai đó ở VN đã giải thích thế nào mà cô nói với tôi rằng em cố gắng sắp xếp công việc để ở lại VN một thời gian nữa để xem chắc chắn còn rất nhiều chiếc quần đàn bà màu đen khác sẽ trùm lên đầu không những nhiều quan tòa mà nhiều vị quan lớn nhỏ khác ở cái xứ thần tiên xã nghĩa này.
Hiện nay tại VN, nơi các công viên và trước các trụ sở tiếp dân mà ai đi qua cũng nhìn thấy những chiếc quần đàn bà màu đen rách nát của dân oan đã treo chờ chực sẵn. Có lẽ văn hóa nơi đây đã đổi thay rồi chăng? Thay vì che nắng, che sương người ta đội nón mà ở xứ thần tiên xã nghĩa các quan lại “đội quần đàn bà”???
Tôi không biết phải nói gì hơn vì lúc này cô em tôi hạnh phúc hơn tôi nhiều vì được mục sở thị những cảnh cười ra nước mắt, ngàn năm có một này.
Đó là những chuyện của 2 năm về trước mà cô em lần đầu về thăm Đất Tổ Quê Cha. Năm nay khi lửa hạ bắt đầu tỏa ra những luồng hơi râm ran, hừng hực… ông mặt trời nheo mắt vàng chói chan… đâu đó hoa lựu lại chớm đơm bông… các cánh cửa trường từ từ khép lại để báo hiệu cho mùa chia tay đã đến. Cô em lại nảy ra ý về lại cố hương để săn tìm chuyện lạ. Cũng tại quê nhà Tp Quy Nhơn, Quê Nội cô điện về Mỹ báo cho tôi biết thêm một chuyệt kỳ thú ở quê mình. Cũng chuyện nơi công đường cầm cân nảy mực… năm đó thì quần đàn bà rong ruổi khắp công đường lôi đầu quan chánh án lòng vòng khắp phòng nọ sảnh kia… với thời gian không ngắn. Lần này thì ngược lại cũng tại Bình Định quê tôi, mà là huyện Phù Mỹ. Quan tòa dùng luật rừng mạo chữ ký nạn nhân tạo ra biên bản giả để xử ép nạn nhân với động cơ vì “tiền” mà là thứ tiền nhơ bẩn. Quá bức xúc, nạn nhân đã xông vào văn phòng quan tòa lôi cổ “quan anh” ra mà xé nát te tua quần áo, đập vở kính văn phòng cho đã cơn tức giận vì bị hàm oan. Nội vụ như sau:
Huyện Phù Mỹ, Bình Định: Dân nắm cổ, xé áo “Quan Tòa” tại tòa…
Theo bà Hạnh thì hai Thẩm phán Châu Văn Minh và Nguyễn Thanh Tuấn đã làm giả Biên bản hòa giải đưa vào Hồ sơ vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” để căn cứ vào đó mà xử bà thua kiện. Khi phát hiện điều này bà Đặng Thị Hạnh đã nhiều lần đến Tòa án Nhân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định kêu oan, tố cáo hành vi vi phạm của hai Thẩm phán. Bức xúc, bà Hạnh đã nắm cổ, xé áo, đập bể kính cửa phòng làm việc của Thẩm phán Châu Văn Minh… Vì đâu đến nông nổi này ?! **
Kể xong cô em cười khúc khích… mỗi năm một “kỳ án” nhưng hình thức khác nhau. Năm đó “quan anh” được tặng thêm quần và tròng lên đầu làm quà kỷ niệm. Năm nay “quan anh” lại bị xé nát te tua áo quần… không biết hôm đó “quan anh” lấy gì che thân để về với vợ? nói đến đây tôi lại liên tưởng đến “quan anh” trong “ngao sò ốc hến” bị lột hết áo quần giữa đêm trường giá lạnh… nhưng 2 hoàn cảnh khác nhau và tất cả đều cười ra nước đá…i!
Kể xong câu chuyện trên cô em còn hẹn ngày mai sẽ kể chuyện ly kỳ… an ninh, chính quyền xã nghĩa “tặng mắm tôm” vào nhà các nhân vật đấu tranh cho nhân quyền dân chủ. Vì quá khuya nên cô ngáp dài vì suốt ngay rong ruổi đó đây săn tin lạ.
Hẹn các bạn tôi sẽ hầu chuyện sau, khi nhận được tin từ thiên đường xã nghĩa.
Kính-
Ngày 12.9.2015