Bài Mới

baimoi
qc

Nghị định 72 và những câu hỏi

< A >
Nguyễn Hùng (BBC) - Người ta có thể hỏi rằng để bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí thì tại sao chỉ có các tổ chức và doanh nghiệp được tổng hợp thông tin trong khi các cá nhân và ngay cả trang nội bộ của các tổ chức và doanh nghiệp cũng không được quyền này?

*

Điều khoản cấm các cá nhân 'tổng hợp thông tin' của Nghị định 72 về quản lý internet tiếp tục gây luận khi thời điểm nghị định có hiệu lực chỉ còn ba tuần.

Tựa của các bài viết liên quan cũng cho thấy hai cách nhìn khác nhau về văn bản pháp luật này: 'Bà Tưng và Nghị định tưng tưng''Nghị định 72... soạn không kỹ, mơ hồ, dễ gây tranh cãi''Có sự hiểu nhầm về Nghị định 72', 'RSF lên án nghị định 72 về quản lý báo chí mạng của Việt Nam', 'Nghị định 72 sẽ xử nghiêm các trang tin mạo danh' hay 'Nghị định 72 sẽ thúc đẩy Internet phát triển mạnh mẽ hơn'.

Nghị định có cả thảy sáu chương với 46 điều trong đó nhiều điều lại có trên dưới 10 khoản nhưng dư luận dường như chỉ tập trung vào chuyện các trang web cá nhân hoặc trang do cá nhân lập ra trên các mạng xã hội sẽ không được phép "cung cấp thông tin tổng hợp".

Như vậy mấu chốt ở đây là định nghĩa thế nào là thông tin tổng hợp.

Người dùng máy tinh ở Việt Nam
Cá nhân sẽ không được lập các trang tin tổng hợp

Dù bác bỏ thông tin cho rằng văn bản do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành "cấm trích dẫn một vài đoạn, bình luận và làm đường dẫn đến các bài báo chính thống", nhà báo Nguyễn Vạn Phú nói vấn đề là định nghĩa thông tin tổng hợp trong nghị định không rõ ràng. 

Ông bình luận:

"Một nguyên tắc của định nghĩa là phần giải thích không thể dùng từ được định nghĩa để giải thích - cái này là nguyên tắc sơ đẳng ai cũng biết.

"Nói "thông tin tổng hợp" là "thông tin được tổng hợp..." thì hài quá".

Nguyên văn định nghĩa có tại khoản 19 của Điều 3 là:

"Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội."
'Nguồn tin chính thức'

Ông Phú cho rằng những người soạn văn bản muốn nói tới các trang tin tổng hợp tự động như Báo Mới hay có người chọn bài như CafeF.

Nhà báo này cũng đặt câu hỏi về mục đích cấm tổng hợp thông tin vì nếu để bảo vệ bản quyền thì sẽ phải có cách diễn đạt khác và trên thực tế đã có các văn bản pháp luật khác về bản quyền và kết luận "kỹ năng soạn thảo văn bản... có nhiều vấn đề."

Mặc dù vậy, nghị định cũng có điều nói rõ thêm về thông tin tổng hợp. 

Điều 20 về phân loại trang thông tin điện tử quy định ở khoản 2:

"Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó."

"Nguồn tin chính thức" ở đây được hiểu là "những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ."

Khoản 3 và 4 cũng của Điều 20 khẳng định trang thông tin điện tử của cá nhân và cả các trang thông tin điện tử nội bộ của các tổ chức và doanh nghiệp đều không được "cung cấp thông tin tổng hợp" trong khi các tổ chức và doanh nghiệp sẽ cần có giấy phép để cung cấp thông tin tổng hợp.

Khoản 4 cũng xác định trang thông tin điện tử cá nhân "là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp."

Như vậy một điều có thể khẳng định là các cá nhân thậm chí không thuộc đối tượng được phép xin giấy phép tổng hợp thông tin vốn chỉ dành cho các tổ chức và cơ quan.

Và một số trang điểm tin hiện nay trong đó có trang Ba Sàm và Bauxite Việt Nam có thể nằm trong tầm ngắm của Nghị định 72.

'Lề phải, lề trái'

Khi trả lời phỏng vấn về nghị định, Tiến sỹ Hà Sỹ Phu nhắc tới câu mà ông nói "nhà báo Huy Đức tặng nhà báo Ba Sàm" - "Báo Ba Sàm thì đưa tin chính thống, báo chính thống lại đưa tin ba sàm!" - và bình luận thêm: 

"Trong cuộc thi đua để chiếm lòng tin cậy của dân, có khi phía "lề phải" đã thấy mình yếu thế nên phải nghĩ ra luật để kiềm chế đối thủ "lề trái" đang được lòng dân."

"Nếu lấy "lề phải" làm chuẩn thì các trang Basam, Bô-xít và hầu hết các blog cá nhân hiện nay đều phạm luật cả."

Trong khi đó blogger Huỳnh Ngọc Chênh, tác giả của bài viết 'Bà Tưng và Nghị định tưng tưng' nhận xét: 

"...Nghị định tưng tưng ấy nếu có nguy hiểm thì cũng chỉ nguy hiểm với những blogger có tóc như Bô Xít, Quê Choa, Nguyễn Tường Thụy, JB Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Văn Bồng, Người Buôn Gió, Nguyễn Thông, Bà Đầm Xòe, Nguyễn Đắc Kiên, Mai Xuân Dũng, Đinh Tấn Lực, Bùi Hằng...

"Còn đại ca Anh Ba Sàm, chuyên gia tổng hợp tin tức thì hình như cũng biết trước nghị định tưng tưng nên đã di tản ra nước ngoài rồi."

Gần một tuần sau khi nghị định được chính thức công bố, điều có thể thấy là nó tạo ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, ít nhất trong vấn đề tổng hợp thông tin.

Nghị định cũng dễ tạo ra những hiểu lầm không chỉ đối với người dùng mạng ở Việt Nam mà cả độc giả trên thế giới.

Trang tin Huffington Post hôm 1/8 đăng lại bài của AFP với đoạn mở đầu: "Cộng sản Việt Nam sẽ cấm các blogger và người sử dụng mạng xã hội chia sẻ tin tức trực tuyến trong một nghị định được xem là sự trấn áp thêm nữa tự do trên mạng [internet]." 

Trong cùng ngày Cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo được dẫn lời nói: 

"Việc đăng tải nguyên văn những thông tin từ báo chí, trang tin điện tử khác, trang tin điện tử cá nhân không được làm.

"Tuy nhiên việc trích dẫn một đoạn hoặc viết lời bình luận rồi dẫn đường link để chỉ về trang gốc thì Nghị định 72 không cấm."

Còn nhiều câu hỏi

Dù đã giải thích được thắc mắc của đông đảo người dùng Facebook, tính mơ hồ của định nghĩa "thông tin tổng hợp" vẫn khiến một loạt các câu hỏi còn chưa có câu trả lời chắc chắn.

Mặc dù bị cấm lập trang tin tổng hợp nhưng liệu cá nhân có thể viết bài tổng hợp trên trang cá nhân của mình?

Chẳng hạn một blogger, chủ trang web cá nhân hay người dùng Facebook có thể viết bài với các thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn, cả chính thống và phi chính thống như người viết bài này đang làm hay không?

Và nếu được thì liệu số lượng bài viết có bị giới hạn hay không? 

Ngoài ra một blogger có còn quyền đăng lại bài của các blogger khác trên blog của mình không nếu đã được phép của các blogger đó?

Ngay cả khi vị Cục trưởng đã giải thích về quyền được "trích dẫn một đoạn hoặc viết lời bình luận rồi dẫn đường link để chỉ về trang gốc" thì liệu việc này có bị hạn chế về số lượng hay không và có "trang gốc" nào bị Nghị định 72 cấm dẫn đường link tới không?

Người ta có thể hỏi rằng để bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí thì tại sao chỉ có các tổ chức và doanh nghiệp được tổng hợp thông tin trong khi các cá nhân và ngay cả trang nội bộ của các tổ chức và doanh nghiệp cũng không được quyền này?

Và cuối cùng, như nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam, ra nghị định là một chuyện, còn thực hiện ra sao lại luôn là một chuyện khác hẳn.



© Copyright 2019 BackUp Dân Làm Báo, All rights reserved

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.