Thời cơ chín muồi?
Đại Nghĩa (Danlambao) - Nhân đọc bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh...” của luật gia Lê Hiếu Đằng có nói tới “thời cơ chín muồi” tôi bỗng nhớ ngay hai câu hát mở đầu bài Quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa:
“Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng.
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống...”
Trước hết xin đừng ai dị ứng với chữ “giải phóng” của người cộng sản dùng mà phải hãnh diện khi nghe tiếng “giải phóng” từ ông Lê Hiếu Đằng, người cộng sản hoạt động ở miền Nam nói:
“Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng...” (Bauxite Việt Nam online ngày 12-8-2013)
Và sự xác nhận của một đảng viên cộng sản sống ở miền Bắc, cụ Tô Hải.
“Chính ngày 30 tháng Tư này là ngày đã giải phóng cho tôi, một công dân miền Bắc, khỏi kiếp nô lệ của một thứ triết học chính trị ngoại lai cực kỳ phản động...” (BVN online ngày 2-5-2013)
“Quốc gia đến ngày giải phóng” khỏi gông xiềng của đảng CSVN suốt 38 năm qua. Người công dân Việt Nam dù đang ở ngoài nước hay trong nước, dù công dân là người của tôn giáo nào, chủ nghĩa nào, giai cấp nào, chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không “đồng lòng cùng đi” “giải phóng” với người cộng sản già sống dưới hai chế độ đã “sám hối”. Ông Lê Hiếu Đằng đã cương quyết “buông dao đồ tể” và hy sinh quảng đời còn lại của mình cho sự nghiệp cứu nước trước khi về cỏi thì chúng ta nên trân trọng và ủng hộ, ông ấy đã mạnh mẽ tuyên bố:
“Tôi sẵn sàng, không có vấn đề gì cả. Bởi vì mình ở tuổi này rồi, thì cái chết thật là hy sinh, phải có ý nghĩa!..
“Trước đây có những vấn đề sống còn của đất nước, do tình hình thế giới và trong nước cũng vậy, mình nhận thức không đúng và mình ảo tưởng chạy theo chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Thế thì tình hình thế giới và trong nước đã thay đổi. Bây giờ mình tự nhận thức lại hành động - hành động một cách cương quyết, chứ không thể cứ chần chừ”. (RFI online ngày 12-8-2013)
Những đảng viên CS đang có quyền thế vẫn tuần tự tách ra khỏi đảng như cựu Đại tá Phạm Quế Dương, Đại tá Phạm Đình Trọng, Đại tá Bùi Tín thì trốn đi tỵ nạn... còn nhiều và nhiều nữa. Họ đã trả thẻ đảng vì cái đảng ấy đang đến hồi mà những người lãnh đạo chóp bu sợ nhất là “tự diễn biến, tự chuyễn hóa” và “tự bỏ đảng”. Ông Lê Hiếu Đằng đã phân tích “thời cơ chín muồi” như sau:
“Việt Nam đang rơi vào một cuộc tổng khủng hoảng sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lãnh vực mà nhiều chuyên gia, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo trong cũng như ở nước ngoài phân tích.
- Nền kinh tế của chúng ta đang trên bờ vực thẳm do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lãnh đạo và điều hành yếu kém của đảng CS và nhà nước Việt Nam... Tệ nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan không thể nào ngăn chận, làm thất thoát không biết bao nhiêu của cải, tài sản của nhân dân.
- Đạo đức xã hội, trong đó những giá trị truyền thống của dân tộc, của gia đình bị xoáy mòn dữ dội trước lối sống thực dụng, giả dối, chạy theo chức vụ, đồng tiền của đông đảo cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân.
- Sự phân hóa xã hội giàu nghèo ngày càng dữ dội. Một bộ phận nhỏ giàu lên nhờ tham nhũng, buôn lậu, mua quan bán tước. Còn đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân, công nhân, những người lao động, cuộc sống vô cùng khó khăn, mất đất, mất nhà…
- Đảng cộng sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về lý luận và đường lối nghiêm trọng, với nền chính trị-cường quyền”. (BVN online ngày 19-8-2013)
Nhất là việc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, ông Lê Hiếu Đằng “bức xúc”:
- “Việt Nam đã thống nhất mặc dù còn nhiều điều chưa hòa hợp, đoàn kết thực sự. Nhưng còn độc lập thì sao? Sau khi hy sinh biết bao xương máu, nay đảng và nhà nước Việt Nam muốn làm việc gì đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung quốc, những kẻ luôn chực nuốt chủng nước ta vào năm 1979… uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình hoặc hèn hạ cắt đứt cáp tàu thăm do dầu khí của chúng ta. Thế mà phản ứng của lãnh đạo Việt Nam quá nhu nhược, chỉ là lời phản đối lập đi lập lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao”. (BVN online ngày 12-8-2013)
Dân tộc Việt Nam đã có hòa bình và thống nhất trên 38 năm qua nhưng người dân Việt Nam chưa hưởng được độc lập-tự do-dân chủ. Nguy cơ nô lệ ngoại bang một lần nữa do đảng CSVN đã khiếp nhược cúi đầu cam tâm làm nô lệ khiến cho tuổi trẻ phải đứng lên đòi “Tàu khựa, hãy cút khỏi biển Đông”. Đảng CSVN đã liệt kháng không dám chống quân xâm lược mà còn dùng mọi bạo lực để đàn áp người yêu nước: hèn với giặc, ác với dân. Tuy nhiên lẽ phải tất thắng, sau cùng bạo lực đã phải khuất phục trước một Nguyễn Phương Uyên, người con gái Việt Nam. Trong bài “Biểu tượng Phương Uyên”, giáo sư khả kính Tương Lai viết:
“Và sẽ chỉ càng thảm hại hơn khi cố sơn trét cho tấm biển han rỉ “cùng chung ý thức hệ” để khom lưng, quỳ gối trước những thủ đoạn tráo trở, lừa mị và trắng trợn trong chiến lược bành trướng Đại Hán chỉ cốt đổ bê tông cho cái ghế quyền lực đang lung lay...
“Thật nhục nhã, khi biển đảo bị xâm chiếm, ngư dân bị xua đuổi, đánh đập, bắt bớ đòi tiền chuộc, thì người ta lặng thinh hoặc ấp úng lên tiếng chiếu lệ. Nhưng khi tuổi trẻ bày tỏ lòng yêu nước chống xâm lược thì bắt bớ, đàn áp và bỏ tù”. (Đối Thoại online ngày 22-8-2013)
Đảng CS độc quyền thống trị đưa cả nước Việt Nam “tiến xuống XHCN” suốt 38 năm qua đã không đem lại đời sống độc lập, ấm no, tự do dân chủ cho người dân, vì thế mà ngày hôm nay còn có hàng trăm người liều chết bỏ nước ra đi, nhiều nhất là người ở tỉnh Nghệ An (quê của ông HCM). Chính quyền CSVN có tự kiểm điểm tại sao người dân trốn chạy khỏi cái thiên đường XHCNVN, nơi có chùm khế ngọt hay không? Người dân bỏ nước ra đi theo bản tin của BBC đã nói lên được điều gì?
“Vừa có thêm một tàu chở người Việt đến Úc trong bối cảnh Úc lo ngại số thuyền nhân Việt Nam sẽ tăng lên kỷ lục.
“Giới chức Úc nói tính cả số người vừa bị giữ mới nhất trong năm nay đã có 759 người Việt đến Úc bằng tàu”. (BBC online ngày 15-7-2013)
Đứng trước sự băng hoại, suy tàn của chế độ và nguy cơ mất nước vào tay “đồng chí 16 chữ vàng”, người đảng viên cảm thấy đau lòng khi lý tưởng ngày gia nhập đảng đã bị phản bội vì không đưa dân tộc đến phú cường mà lại đi vào con đường đói nghèo và lạc hậu, độc tài phát xít nên người đảng viên cũng phải buộc lòng phải quay lưng với đảng, ông Lê Hiếu Đằng đã kêu gọi thành lập một đảng đối lập để kềm chế và kiểm soát sự thao túng của đảng cầm quyền. Qua lời kêu gọi của ông Đằng chúng tôi mong rằng cái đảng mang tên Dân chủ Xã hội của ông và những người đồng chí của ông không đi vào vết xe đổ của hai đảng Xã hội và Dân chủ trước đây chỉ là hai cánh tay nối dài của đảng CSVN. Ông Đằng đã khẳng định:
“Tại sao tình hình đã chín muồi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng là chủ trương của đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này?... Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay”. (BVN online ngày 12-8-2013)
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Ông Hồ Ngọc Nhuận một nhân vật có nhiều quyền thế của hai chế độ đã cùng một nhận định và cùng tâm trạng với ông Lê Hiếu Đằng đã nhiệt liệt hưởng ứng và trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm đài RFA một cách mạnh dạn như sau:
“Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không thể có lối thoát được...
“...nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài…
“Vua chúa ngày xưa cũng để cho dân nói. Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn giờ đây không cho người ta nói thì làm sao mà góp ý và xây dựng đất nước được?” (RFA online ngày 17-8-2013)
Bây giờ các cụ muốn nói các cụ phải lập một đảng mới để đối thoại, tuy nhiên chuyện lập đảng mới ở Việt Nam ngày nay không phải là dễ, đảng CS muốn độc quyền một mình một chợ thì không dễ gì để cho các cụ ra đảng mới hạn chế, kiểm soát họ được đâu. Trước tiên họ sẽ viện dẫn hết Hiến pháp đến luật này luật nọ để cấm đoán, nhưng tôi tin luật gia Lê Hiếu Đằng và các đồng chí của ông dư sức đối đầu về mặt luật pháp, tuy nhiên, ở Việt Nam ai cũng biết “có cả một rừng luật, nhưng khi đem ra áp dụng thì chỉ xài luật rừng”, liệu ông Đằng có qua khỏi cái luật rừng và đám côn đồ của đảng CSVN? Chẳng lẽ Việt Nam chúng ta chịu thua nhân dân nước Campuchia bé nhỏ một cách nhục nhã vì dù sao họ cũng có được một đảng Cứu nguy Dân tộc của ông Sam Rainsy đối lập với chính quyền, tranh cử một cách chính danh hiên ngang. Nước ta theo ông Hồ Ngọc Nhuận nhận định:
“Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị, mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết. Chế độ này họ muốn cai trị nhưng họ không có luật. Họ không có luật thì làm sao ra luật được?...
“Còn cái này cũng không phải là pháp trị mà là đảng trị. Đảng trị từ đầu đến cuối. “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Cầm quyền một mình nên đi tới độc quyền”. (RFA online ngày 17-8-2013)
Sự tham gia của luật sư Trần Vũ Hải, một luật sư danh tiếng và can đảm đã nghiên cứu kỷ qua nhiều văn bản của luật pháp Việt Nam, ông ấy đã cẩn thận gửi thư trình Quốc hội Dự thảo Ý kiến Thành lập và Tham gia đảng phái và ông đã dứt khoát khẳng định như sau:
“Không có điều khoản nào trong Hiến Pháp và các luật của Việt Nam cấm công dân Việt Nam thành lập và tham gia một chính đảng khác ngoài đảng CSVN.
“Tuy nhiên, Điều 79 Bộ Luật Hình sự có quy định trừng phạt người nào hoạt động thành lập tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân... Nói cách khác, hoạt động thành lập và tham gia một đảng phái không nhằm lật đổ chính quyền sẽ không được coi là bất hợp pháp...” BVN online ngày 23-8-2013)
Dù thời cơ đã chín muồi nhưng nhóm lợi ích luôn vẫn là lực cản vô cùng quan trọng vì nếu để có cuộc cải cách nào xảy đến thì bọn chúng là đám người phải bị hy sinh và điều ấy đã buộc họ phải “tử thủ An Lộc”. Muốn phá bỏ chướng ngại này một cách nhẹ nhàng và ít thiệt hại thì người chủ trương đảng mới cần phải có sự uyển chuyễn trong tinh thần hòa giải, hòa hợp. Đảng cầm quyền không những sợ hãi khi mất vị trí độc tôn mà còn sợ bị truy bức khi mất quyền lực, hãy chừa cho họ một lối thoát. Do vậy chúng ta phải áp dụng triệt để phương châm đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại như người nữ anh hùng của Miến Điện: Aung San Suu Kyi, bà đã biết đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên và với tấm lòng bác ái vị tha, bà đã chống lại “công lý trả thù”, bà đã có đủ đạo đức và tư cách thuyết phục giới cầm quyền từ bỏ một số quyền lực mang lại tự do dân chủ cho nhân dân Miến Điện mà không phải hao tốn xương máu.
Trả lời câu hỏi về khả năng trong tương lai có một tòa án xét xử các cựu lãnh đạo chế độ độc tài quân sự, bà Aung San Suu Kyi nói: “Tôi không muốn kiểu công lý trả thù, nhưng mong muốn có công lý tái lập. Trước hết, đất nước chúng tôi cần tái lập một nhà nước pháp quyền”. (RFI online ngày 23-2-2012)
Cùng nguyên tắc chủ trương nói trên, nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên, mới đây trong “Bức thư ngỏ gửi bạn đọc” ông có trình bày một sáng kiến đáng được quý vị cao minh suy gẫm, bức thư có đoạn như sau:
“Tôi nghĩ rằng, một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay bất cứ hành động trả thù nào với những người ở chế độ cũ. Tôi cho rằng đây là điểm quan trọng trong việc giúp giới lãnh đạo đảng CSVN hiện nay vượt qua sợ hãi”. (BVN online ngày 3-3-2013)
Theo ông Lê Phú Khải, một phóng viên kỳ cựu của Đài truyền hình Trung ương của CSVN, cả gia đình hầu hết là đảng viên thâm niên, nhưng riêng ông thì không vào đảng vì ông cho rằng “đảng CSVN có tư duy ngược”. Trả lời phỏng vấn của Đài RFA về việc ông Lê Hiếu Đằng thành lập đảng mới thì ông Khải có ý kiến như sau:
“Đây là cơ hội may cho đảng Cộng sản vì bây giờ có những người ôn hòa, nhiệt huyết, tâm huyết… rất nhiệt huyết trong những vấn đề của đất nước thì người ta góp ý với đảng để cùng với đảng đối lập về tư duy để có đường lối đúng xây dựng đất nước. Đây là cơ may của đảng Cộng sản”. (RFA online ngày 22-8-2013)
Thực sự đảng CSVN cũng đang cần tiếp thu sự góp ý chân thành không đố kỵ vì trong lần tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. Sai Gon) với tư cách ĐBQH sáng 7-5, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đã nói:
“So với mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, chúng ta chưa làm tới, chưa thành công…
“Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”. (VietNamNet online ngày 7-5-2011)
Do sự chia rẽ của nội bộ và còn có những thành phần bất hảo trong hàng ngũ đảng viên có người vì chạy theo danh lợi mà âm mưu tạo phản, gây ảnh hưởng xấu đến đảng khiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chua chát viết bài “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” nói về ngày Quốc khánh 2-9 như sau:
“Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cỏng rắn cắn gà nhà”. (Người Lao Động online ngày 23-8-2012)
Cùng một nhận định của chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khản cổ kêu gọi nào là chỉnh đốn đảng, nào là xây dựng đảng, nhưng xem ra tự chỉnh đốn và tự xây dựng thì rõ ràng là vô vọng.
“Hồi tháng 2-2012, trong bài diễn văn nói về nhu cầu ra nghị quyết về xây dựng đảng, ông Trọng đã cảnh báo về các nguy cơ chia rẽ nội bộ, và sự “thoái hóa”, “trở cờ” cùng các tệ nạn như quan liêu, tham nhũng…
“Bây giờ trong đảng cũng có sự phân hóa giàu-nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?...
“Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”, tình trạng tham những, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của đảng bị vi phạm...
“Đây là các hoạt động có mục tiêu “phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng HCM; phủ định con đường XHCN, định hướng XHCN”. (BBC online ngày 20-8-2013)
Qua lời trần tình của hai lãnh đạo cao cấp đảng CSVN, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vị tướng già còn nhiều trăn trở với vận mệnh của đất nước gửi cho TBT Nguyễn Phú Trọng một bức thư, trong đó có đoạn xin trích:
“Tổng bí thư đã đúng khi khi trong Nghị quyết Trung ương IV nhìn thẳng vào sự thật, đã nêu “Bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ”. Bộ phận không nhỏ nghĩa là khá nhiều, mà phần lới là những Đảng viên có chức có quyền, kể cả ở cấp cao, như thế cũng có nghĩa là đảng cũng suy thoái. Cùng với sự sa sút nghiêm trọng về kinh tế xã hội làm cho đời sống đa số nhân dân khó khăn, chật vật, để cho Trung quốc hoành hành thao túng, đảng đã tự đánh mất lòng tin vào vai trò lãnh đạo của chính mình”. (BVN online ngày 9-3-2013)
Ngày nay ai cũng biết dưới chế độ XHCN đảng CSVN đã hình thành một nhóm lợi ích do sự móc ngoặc của tư bản đỏ và những kẻ lợi dụng thời cơ tạo thành một thế lực có thể khuynh đảo quốc gia, làm băng hoại đất nước... theo như tiến sĩ Phạm Chí Dũng mô tả như sau:
“Trong thời gian qua, các tập đoàn và nhóm lợi ích đã lũng đoạn và thao túng nền kinh tế và khiến cho các doanh nghiệp hết sức khốn đốn, lâm vào tình trạng phá sản và đời sống dân sinh trở nên kiệt quệ. Người ta cũng nói đời sống dân sinh và nền kinh tế là con tin của các nhóm lợi ích...
Và Tiến sĩ Nguyễn Quang A cùng nhận định:
“Về nhóm lợi ích ở Việt Nam, ý người ta muốn nói đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến chính sách, đường hướng phát triển của đất nước. Trong đó nhóm mạnh nhất và lớn nhất là nhóm của lãnh đạo”. (RFA online ngày 23-8-2013)
Đứng trước tình hình xã hội ngày càng xấu đi chính quyền cộng sản chỉ còn biết có đàn áp, còn biết có bạo lực, cái chiến thuật hạ sách ấy của những thế lực đến lúc suy tàn giãy giụa một cách điên khùng trước khi chết.
“Nhà nghiên cứu có tiếng Adam Florde vừa có bài viết nói về Việt Nam là ‘đất nước không vua’ và ngày càng trở nên’ công an trị’...
“Mặt khác, sự thực thi chính sách thường rất kém, chủ yếu do tham nhũng và thiếu kỷ luật trong bộ máy nhà nước...
“Và trong những điều kiện như vậy, thay vì dùng chính sách để duy trì thể chế, các nhà lãnh đạo Việt Nam ngày càng phải dùng tới lực lượng an ninh”. (BBC online ngày 3-7-2013)
Tình hình kinh tế, xã hội đã thế còn về phương diện bảo vệ an ninh Tổ quốc thì như thế nào... Mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa cảnh báo:
“Tình hình đất nước nguy ngập từ việc Trung quốc lấn chiếm Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc cho đến lấn chiếm các quần đảo của Việt Nam. Rồi đến bây giờ ông Trương Tấn Sang đi Trung quốc dâng cả Vịnh Bắc bộ cho phương Bắc v.v... Thế tại sao chúng ta không dám lên tiếng mà suốt ngày chỉ thích ăn chơi đàn đúm, hú hí, lo làm giàu? Rồi mai mốt, Trung quốc đến chiếm hết đất nước thì còn gì?” (RFA online ngày 11-7-2013)
Trong khi tình hình của đất nước như dầu sôi lửa bổng trước việc Trung cộng ngày đêm tìm cách xâm lăng nước ta thì những người lãnh đạo đảng CSVN lại bị ru ngủ với 16 chữ vàng mà cam tâm làm tên chư hầu nô lệ cho tên chúng. Mỗi lần họ gặp nhau thì ôm nhau hôn hít “hẩu len” trong khi ngoài kia người đồng chí cho đàn em giành dân lấn đất, cướp lấy ngư trường, bắn giết ngư dân ta, hoành hành như hải tặc. Ông Nguyễn Văn Đực, một người dân chân chất đã can đảm hỏi ngay vị Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam rằng:
“Cái chuyện thứ hai là chúng ta hợp tác với người Tàu. Người Tàu đã cai trị chúng ta hàng trăm năm, hàng ngàn năm và luôn luôn tìm cách chèn ép chúng ta. Ngày hôm nay người Tàu có mặt ở khắp nơi, từ rừng núi, đồng bằng, cao nguyên, bờ biển... Bây giờ chúng ta cho người Tàu đầu tư cái Vịnh Bắc Việt. Tôi đề nghị Chủ tịch phải hỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng có đồng ý hay không? Hỏi lại Quốc hội có đồng ý hay không?” (BVN online ngày 8-7-2013)
Thật sự là quỹ thời gian không còn cho phép chúng ta chần chừ được nữa vì số phận của Tổ quốc đang lâm nguy trong tay của đảng CSVN. Không ai quên được hình ảnh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cúi đầu khá sâu đứng bên cạnh Chủ tịch Tàu cao lớn. Bản Tuyên bố chung mà Chủ tịch Sang ký với Chủ tịch Bình là kết quả của sự hữu nghị Việt - Trung thể hiện kể từ thời: ông Hồ Chí Minh làm bài thơ “Cứu Trung quốc thị cứu tự kỷ”. Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười qua hội nghị Thành Đô năm 1990. Lê Khả Phiêu qua hai Hiệp ước Biên giới và Vịnh Bắc bộ cuối năm 1999 và 2000. Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng qua chủ trương lớn của đảng giao cho Trung cộng khai thác bauxite Tây Nguyên. Cựu Đại tá QĐND Bùi Tín xem TBC như là một “văn kiện đầu hàng”:
“Bản TBC hoàn toàn phản ánh tham vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành chư hầu của Trung quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung quốc, với sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng cực”. (VOA online ngày 1-7-2013)
Với xu thế của thời đại, đảng CSVN phải đương đầu với thách thức của những nhà cách mạng lão thành, những đảng viên kỳ cựu, những nhà trí thức yêu nước đã đồng thanh lên tiếng buộc đảng CSVN phải chấp nhận đa nguyên đa đảng tại Việt Nam:
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS: “Nếu họ chấp nhận đa nguyên đa đảng, không giữ độc quyền nữa, điều đó sẽ rất tốt. Tất nhiên tôi không nghĩ đợt này họ sẽ đi đến được như vậy. Nhưng nếu họ đang trong quá trình tiến đến việc đó, nếu họ hiểu rằng chỉ có tồn tại khi vứt bỏ độc quyền, bằng không lịch sử và nhân dân sẽ vứt họ vào sọt rác”. (BBC online ngày 28-2-2012)
- Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ: “Tôi khẳng định đa đảng là truyền thống của Việt Nam từ trước cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chết và thậm chí đến 1988…
“Thật ra những người tham gia lập ra các đảng khác đối đảng CSVN vẫn bị coi là bất hợp pháp. Mục tiêu đấu tranh của tôi, cái đầu tiên là buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện đa đảng”. (Dân Luận online ngày 7-11-2010)
- Cụ Trần Lâm, nguyên Thẩm phá Tòa án Tối cao: “Việc thiết lập thể chế đa đảng, là việc làm không thể đừng được. Ta hiện nay suy thoái nặng nề không lối thoát, còn có con đường nào khác đâu. Cả thế giới một đường một mình ta một hướng thì quả thật là quá lạ, mà cái hướng của ta lại mù mờ ngay cả nội bộ cũng không thông suốt. Thiết lập thể chế đa đảng là việc làm sáng suốt, một lựa chọn đúng đắn”. (Đối Thoại online ngày 10-6-2010)
- Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Tp HCM: “Thực tế các nước XHCN ở Đông Nam Á và Liên xô cho thấy, “tự diễn biến” trước hết và chủ yếu về tư tưởng chính trị. Khi tư tưởng chính trị chệch hướng, tất yếu làm cho bộ máy của đảng và nhà nước chia rẽ, suy thoái, nguy cơ “tự chuyễn hóa”, sụp đổ của thể chế chính trị là điều khó tránh khỏi”. (Tạp chí Cộng sản online ngày 22-3-2013)
“Nhất hô thì bá ứng”, bằng hành động, hưởng ứng lời kêu gọi của luật gia Lê Hiếu Đằng với tất cả nhiệt huyết của tuổi đời còn lại, ông Nhuận đã mạnh mẽ cổ võ “Phá xiềng”.
“Đảng mới Dân chủ Xã hội là một đột phá khẩu lịch sử, cho nước tràn bờ, cho muôn người Việt Nam đứng dậy Phá xiềng, vươn vai thành Phù Đổng, chống lại nội tặc, ngoại thù, cứu nước cứu dân và cứu cả chính mình. Đảng mới Dân chủ Xã hội chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ thật, một đời sống tự do thật, một xã hội công bằng thật, đối lập với đảng cộng sản chuyên quyền chủ trương xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa muôn vạn lần dân chủ láo, trên nền móng cướp đoạt mọi quyền cơ bản của người dân...” (BVN online ngày 16-8-2013)
Đảng CSVN ngày càng suy thoái và có nguy cơ tan rã, để cầm cự và kéo dài sự độc tài toàn trị họ đã cố bám cái phao Điều 4 HP để tiếp tục sinh tồn và lãnh đạo đất nước vì nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cho rằng “bỏ điều đó là tự sát”. Vì thế cho nên trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp họ vẫn tìm cách cố duy trì Điều 4 mặc dù có sự chống đối của nhóm trí thức cách mạng lão thành qua Kiến nghị 72, Hội đồng giám mục Việt Nam, Viện Hóa đạo Giáo hội PGVN và nhiều từng lớp nhân dân Việt Nam. Kiến nghị 72 có đoạn viết:
“Duy trì sự độc quyền toàn trị của giới cầm quyền nhân danh đảng CSVN chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị là nguyên nhân cơ bản khiến cho đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và đang bị thách thức trầm trọng về nhiều mặt như hiện nay. Sự độc quyền toàn trị cũng là nguyên nhân gốc hủy hoại vai trò lãnh đạo của đảng CSVN...
“Tóm lại có thể nói rằng: Sự bảo thủ đến ngoan cố của một bộ phận trong giới lãnh đạo biến công việc hệ trọng về sửa đổi Hiến pháp thành một màn kịch chính trị”. (BVN online ngày 6-6-2013)
Luật gia Lê Hiếu Đằng là một nhà hoạt động chính trị già giặn với nhiều kinh nghiệm và với tuổi đời bóng xế, chắc chắn ông không còn bồng bột hay thiển cận khi đã dám đánh đổi cuộc đời chính trị của mình bằng một kết thúc “cuội”. Chúng ta, những người Việt Nam dù đứng ở vị thế nào cũng nên ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng trong việc làm có ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời ông. Chỉ có chuyễn hóa sang tình hình mới chúng ta mới mong “giải thiêng” ảnh hưởng của “16 chữ vàng và 4 tốt”. Tôi hy vọng ông Đằng và những đồng chí của ông làm nên lịch sử để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ, chỉ có những người đã từng sống trong chăn mới biết chăn có rận, họ có được cái kinh nghiệm ngàn vàng của người “tri kỷ, tri bỉ, bách chiến, bách thắng”. Tôi xem lời tuyên bố của ông là một sự quyết tâm.
“Nếu chưa chín muồi thì chúng ta chủ động làm cho nó chín muồi, chứ chẳng lẽ khoanh tay thụ động ngồi chờ cho nó chín muồi sao? Không thể có thái độ ngồi chờ sung rụng như vậy được. Chúng ta đã ngủ một giấc ngủ dài, làm ngơ trước cái ác, cái xấu, cái bất công... Trước nỗi khổ của những người dân mất tự do, mất nhà, mất đất, chúng ta phải thức tỉnh, không thể chần chờ được nữa”. (BVN online ngày 19-8-2013)
Thời cơ chín muồi, đảng Cộng sản nên thức tỉnh vì nếu không thì: “Đi chết đi, ĐCSVN bán nước”.